Ngày 27/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright công bố báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2024.
Báo cáo này nhấn mạnh rằng, thiếu hụt đầu tư đã trở thành một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến “vòng xoáy đi xuống” của kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong nhiều năm qua. Dù là vùng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu chủ lực, đóng góp hơn 50% vào thặng dư thương mại của Việt Nam, ĐBSCL lại có tỷ lệ vốn đầu tư rất thấp.
Đất đai trù phú, nhưng thu nhập không chủ yếu từ nông nghiệp
TS Vũ Thành Tự Anh, đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo, đã trình bày tình hình kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đáng chú ý có sự thay đổi thu nhập của người dân của vùng trong hơn 10 năm qua.
Theo ông Tự Anh, năm 2010, 67% thu nhập của người dân đến từ nông nghiệp, nhưng đến năm 2022 còn khoảng 29%.

"Điều đó cho thấy tỉ trọng thu nhập từ nông nghiệp của người dân Đồng bằng sông Cửu Long giảm một nửa so với hơn 10 năm trước. Đây là sự thay đổi cơ cấu rất rõ nét, rất tích cực bởi người dân đã tìm được những cơ hội bên ngoài nông nghiệp và những cơ hội tạo ra thu nhập cao hơn, ổn định hơn, không bị tác động quá nhiều của biến đổi khí hậu.
Thứ hai, thu nhập từ tiền lương 10 năm trước là 31%, hiện nay tăng lên 66%, như vậy thu nhập của người dân Đồng bằng sông Cửu Long bây giờ chủ yếu đến từ thu ngập ngoài nông nghiệp và tiền lương", ông Anh phân tích.
Tuy nhiên, ông Anh cũng chỉ ra tỉ lệ tăng thu nhập hộ gia đình từ năm 2010 đến năm 2022 thì Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm thấp nhất (24,4%), chỉ bằng một nửa so với bình quân cả nước.
Qua đó cho thấy mặc dù có sự thay đổi tích cực về cơ cấu thu nhập nhưng tốc độ tăng trưởng thu nhập chỉ bằng một nửa so với mặt bằng chung cả nước.
Đó là lí do vì sao nơi này bị tụt hậu và người dân Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục di cư đến các vùng khác tìm sinh kế.
Cũng theo ông Anh, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng duy nhất cả nước trong 10 năm qua dân số về mặt tuyệt đối không thay đổi (xấp xỉ 13 triệu người).
"Tôi nghĩ nếu không giải quyết vấn đề đầu tư, vấn đề về cơ hội kinh tế thì sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng di cư của người dân ra khỏi Đồng bằng sông Cửu Long", ông nói.
Cũng theo ông, tính chung khu vực, tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất cả nước, khi có đến 57% lực lượng lao động chỉ hoàn thành tối đa bậc tiểu học.

ĐBSCL là vùng có tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư tư nhân thấp nhất cả nước trong giai đoạn 2014-2023. ĐBSCL cùng với Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là 3 khu vực có tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân so với cả nước sụt giảm trong 10 năm trở lại đây.
Trong khi đó, khoảng 43% vốn đầu tư tư nhân tại ĐBSCL nằm trong khu vực hộ gia đình, cao hơn đáng kể so với mức bình quân cả nước là 31%. Vốn đầu tư hộ gia đình trong vùng ĐBSCL đạt bình quân 8,7 triệu đồng/người trong năm 2023, thấp hơn mức bình quân cả nước là 8,9 triệu đồng/người.
Đáng chú ý, việc thu hút vốn FDI ở ĐBSCL rất thấp. Cụ thể, năm 2024, cả vùng ĐBSCL chỉ thu hút được 142 dự án với tổng vốn đăng ký mới là 759 triệu USD, chiếm chưa tới 2% trong tổng vốn FDI của cả nước. Trong đó, riêng Long An góp 124 dự án với số vốn đăng ký hơn 564 triệu USD. Như vậy, con số này thua xa so với vốn FDI một tỉnh ở miền Đông Nam Bộ, như Bà Rịa - Vũng Tàu (1,71 tỷ USD), Đồng Nai (gần 1,9 tỷ USD), Bình Dương (gần 1,95 tỷ USD).
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về tài chính tín dụng. Đặc điểm kinh tế manh mún, nhỏ lẻ trong nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Vùng làm cho việc tiếp cận vốn của hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ trở nên khó khăn.
Sốt ruột vì các vùng đi nhanh hơn Đồng bằng sông Cửu Long
Phát biểu tại lễ công bố, ông Phạm Tấn Công - chủ tịch VCCI cho hay trong giai đoạn 2015 - 2023 đầu tư công vào Đồng bằng sông Cửu Long tăng gấp đôi so với giai đoạn trước, cùng với các nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế cũng tăng đáng kể, tạo động lực mạnh cho phát triển vùng so với giai đoạn trước đó.
Tuy nhiên kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm qua tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn như cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chậm chuyển đổi cơ cấu, thu hút đầu tư kém, doanh nghiệp chậm phát triển cả về số lượng và năng lực, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn yếu…
"Đây là vấn đề chúng tôi lo ngại và quan tâm nhất trong bối cảnh cả nước đang phát triển nhanh chóng, các địa phương đang cải cách, cải thiện môi trường và điều kiện kinh doanh thì Đồng bằng sông Cửu Long chưa kịp bắt nhịp", ông bày tỏ.
Ông Trần Văn Huyến, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, phát biểu tại lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Trần Văn Huyến, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất trù phú, trung tâm nông nghiệp thủy sản lớn nhất cả nước, nhưng nghịch lý là đóng góp GRDP của vùng chỉ khoảng 13% GDP cả nước. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn của vùng chưa được khai thác hiệu quả.
Theo ông Huyến, báo cáo kinh tế thường niên công bố năm nay đã chỉ ra mức huy động vốn đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long cả khu vực công lẫn tư đều thấp hơn nhiều so với vùng khác, tỉ lệ vốn FDI vào vùng chỉ đạt khoảng 4-5% so với cả nước.
Bày tỏ sự tán thành với ý kiến nếu giải quyết được bài toán vốn thì vùng này sẽ có chuyển mình mang tính bước ngoặt, ông Huyến nói thêm: "Theo tôi, thách thức của vùng không chỉ nằm ở vốn mà còn là tổng hợp của nhiều yếu tố như hạ tầng giao thông liên vùng còn yếu, chi phí logistics cao, thiếu hụt lao động chất lượng cao, di cư lao động rất lớn.
Nếu có thể tháo gỡ các điểm nghẽn nêu trên, vùng có thể trở thành cực tăng trưởng mới, thậm chí là vùng kiểu mẫu về phát triển nông nghiệp, sinh thái và công nghiệp chế biến hiện đại và kinh tế tuần hoàn".
Về mặt tích cực, xuất khẩu của toàn vùng ĐBSCL tăng trưởng mạnh trong năm vừa qua, với thặng dư thương mại đạt hơn 14,4 tỉ USD.
Con số này chiếm 58% tổng thặng dư thương mại cả nước.
Trong đó Long An và Tiền Giang dẫn đầu khu vực về tăng trưởng xuất khẩu, chủ yếu nhờ vào các mặt hàng công nghiệp chế biến - chế tạo, với mức tăng thêm khoảng 1 tỉ USD mỗi tỉnh.
Riêng Long An ghi nhận kim ngạch xuất khẩu năm ngoái vượt 7,8 tỉ USD, trong khi Tiền Giang đạt hơn 6,5 tỉ USD.
Theo báo cáo kinh tế thường niên vừa công bố, tính theo bình quân đầu người, so sánh trong sáu vùng kinh tế xã hội của Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ 3 về vốn ODA, thứ 4 về đầu tư công, thứ 5 về FDI và thứ 6 về đầu tư tư nhân trong nước.
Hệ quả là cơ sở hạ tầng yếu kém, cơ hội việc làm suy giảm, năng suất lao động trì trệ và sức cạnh tranh suy yếu.
Ban Mai