Quý II/2025: Ba ngân hàng nào tăng trưởng lợi nhuận âm?

Theo dự báo của SSI, lợi nhuận trong quý II/2025 của khối ngân hàng mà công ty này nghiên cứu có 3 nhà băng tăng trưởng âm, gồm: BIDV, ACB và MSB.

Sacombank dự kiến tăng trưởng lợi nhuận cao nhất

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) vừa đưa ra ước tính kết quả kinh doanh quý II/2025 của 40 doanh nghiệp trong phạm vi nghiên cứu, bao gồm 13 ngân hàng. Trong nhóm 13 nhà băng này, có 9 ngân hàng sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ và 1 ngân hàng có lợi nhuận đi ngang và 3 ngân hàng lợi nhuận giảm.

Các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ, gồm: Sacombank, VietinBank, VPBank, HDBank, TPBank, VIB, MB và OCB. Tuy nhiên, Sacombank là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong quý 2/2025 với mức tăng 67% so với cùng kỳ và tăng 24% so với quý trước, đạt 4.500 tỷ đồng.

Các chuyên gia SSI kỳ vọng, Sacombank sẽ có thể ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng đáng kể trong quý II và cải thiện chi phí quản lý, từ đó hỗ trợ đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ cho ngân hàng.

Quý II/2025: Ba ngân hàng nào tăng trưởng lợi nhuận âm?
Biểu đồ dự kiến tăng trưởng lợi nhuận quý II/2025 của 13 ngân hàng trong nhóm nghiên cứu của SSI Research

Nhóm tăng trưởng trên 15%

Nhà băng xếp thứ 2 về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong quý lại là ngân hàng trong nhóm quốc doanh Vietinbank. Trong quý II/2025, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 9.300 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ, tăng 36,2% so với quý trước.

Nguồn lực giúp Vietinbank đạt con số lợi nhuận trước thuế cao 9.300 tỷ đồng, SSI cho rằng VietinBank sẽ dẫn đầu nhóm ngân hàng quốc doanh về tăng trưởng tín dụng, với mức tăng đạt 10,5% từ đầu năm. Bên cạnh đó, chi phí tín dụng ước tính giảm xuống 1,3% trong quý 2, là yếu tố khiến Vietinbank vượt BIDV về con số lợi nhuận trong quý này.

Ngân hàng có mức lợi nhuận khá là VPBank khi đạt tốc độ tăng 29% trong quý II, có thể đạt 5.800 tỷ đồng. Theo đó, động lực đến từ tăng trưởng tín dụng mạnh, ước đạt 13-15% tính từ đầu năm và chất lượng tài sản ổn định hơn so với quý trước.

Tuy nhiên, với HDBank, tăng trưởng tín dụng yếu hơn kỳ vọng và NIM giảm trong quý II/2025 có thể làm chậm lại đà tăng trưởng lợi nhuận. Do đó, SSI dự phóng lợi nhuận trước thuế quý 2 của nhà băng này đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.

Với TPBank, lợi nhuận trước thuế quý II/2025 ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, tăng 5% so với quý trước, chủ yếu nhờ cải thiện chi phí hoạt động. Trong khi đó, chi phí dự phòng dự kiến tăng 11% so với cùng kỳ sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, dù giúp ngân hàng có thể đẩy mạnh xử lý các khoản nợ xấu.

Nhóm tăng trưởng dưới 15%

Trong nhóm này, dù “anh cả” quốc doanh Vietcombank đạt mức tăng trưởng lợi nhuận chỉ 7% so với cùng kỳ, nhưng con số lợi nhuận tuyệt đối luôn cao nhất ngành, dự kiến đạt 10.800 tỷ đồng. Theo SSI, nguyên nhân do tăng trưởng tín dụng có thể thấp hơn so với trung bình ngành, khiến lợi nhuận trước thuế quý II/2025 đi ngang so với quý trước.

Tương tự, VIB cũng có lợi nhuận trước thuế gần như đi ngang so với quý I/2025, dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Dù tăng trưởng tín dụng ước đạt 8,5% tại quý II/2025, nhưng chi phí tín dụng vẫn còn ở mức cao làm cho lợi nhuận không như kỳ vọng.

Với MB, lợi nhuận trước thuế sơ bộ quý II/2025 được SSI dự báo đạt 8.600 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng tích cực (tăng 10% luỹ kế từ đầu năm). Trong khi đó, NIM được kỳ vọng ổn định và chất lượng tài sản cải thiện.

Trường hợp của OCB, SSI cho rằng lợi nhuận trước thuế quý II tăng 11% so với cùng kỳ, ước đạt 1.000 tỷ đồng. Với mức nền lợi nhuận thấp trong quý II/2024, tín dụng vẫn là yếu tố kìm hãm lợi nhuận trong quý 2/2025.

Tại Techcombank, lợi nhuận trước thuế quý II/2025 được dự báo ở mức 7.850 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 0,3% so với cùng kỳ, tăng 8,5% so với quý trước. Mặc dù tăng trưởng tín dụng mạnh, tăng 9,2% từ đầu năm, tuy nhiên lợi nhuận được dự báo chỉ tăng nhẹ do NIM giảm nhẹ và chi phí dự phòng có thể tăng.

Nhóm tăng trưởng âm

Trong quý này, “ông lớn” BIDV được SSI dự tính lợi nhuận trước thuế giảm 2% so với cùng kỳ, ước đạt 8.000 tỷ đồng. Mặc dù, tín dụng bán lẻ cao hơn tín dụng doanh nghiệp giúp NIM cải thiện nhẹ, và tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6/2025 ước đạt 6-7% so với đầu năm, nhưng tăng trưởng lợi nhuận vẫn giảm tốc.

Về ACB, các chuyên gia SSI ước tính lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.250 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Dù tăng trưởng tín dụng đạt 8% tại cuối quý 2/2025, nhưng NIM sẽ đi ngang so với quý trước và chất lượng tài sản duy trì ổn định ở mức 1,4-1,5%, giúp chi phí tín dụng quý II ở mức 0,35% (so với 0,42% trong quý I), nhưng vẫn không ngăn được sự giảm tốc của lợi nhuận thời gian qua.

Trong khi đó, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của MSB giảm 7% so với cùng kỳ, đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Dù tăng trưởng tín dụng cao, đạt khoảng 15% tính đến hết quý II/2025, và đây là động lực chính cải thiện biên lãi ròng (NIM), nhưng cũng không giúp lợi nhuận ngân hàng này tăng lên như kỳ vọng.

Linh Lan