Sáng nay (26/4), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 tại Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank.
Theo đại diện Vietcombank, tính đến ngày chốt quyền ngân hàng có 37.508 cổ đông, sở hữu gần 5,6 tỷ cổ phiếu. Tính đến 8h40 ngày 26/4, số cổ đông tham dự là 146 người, đại diện cho 1.188 cổ đông, sở hữu hơn 5,3 tỷ cổ phiếu, tương ứng hơn 95,06% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đã đủ điều kiện tiến hành.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 ngân hàng Vietcombank (Ảnh: Minh Nguyệt)
Phát hành riêng lẻ 6,5% vốn, nâng vốn lên gần 89.000 tỷ đồng
Phát biểu tại ĐHĐCĐ, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT cho biết ngân hàng tiếp tục triển khai đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ (tỷ lệ 6,5% vốn điều lệ ngân hàng) nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh và phù hợp với chiến lược phát triển của Vietcombank.
Trong tờ trình tới các cổ đông, ngân hàng cho biết tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa 543,1 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000/cp cho tối đa 55 nhà đầu tư bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tổng giá trị chào bán theo mệnh giá tối đa 5.431 tỷ.
Việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng 6,5% vốn điều lệ tại thời điểm của đợt chào bán có thể thực hiện theo một hoặc nhiều đợt chào bán trong năm 2025 - 2026. Thời điểm và số lượng cp chào bán cụ thể của từng đợt chào bán sẽ căn cứ theo thực tế nhu cầu mua của nhà đầu tư.
Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu là ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu là một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Vietcombank cho biết nếu cổ đông chiến lược - Ngân hàng Mizuho Nhật Bản nâng tỷ lệ sở hữu lên 20% sẽ được cử thêm một thành viên vào HĐQT, nhưng không quá hai người. Nhà đầu tư nước ngoài khác, nếu sở hữu từ 5% vốn trở lên, cũng có quyền đề cử một thành viên HĐQT. Việc đề cử và vào nắm quyền trong HĐQT của các cổ đông lớn đều sẽ dựa trên cơ sở được NHNN chấp thuận.
Trước đó, ngân hàng đã phát hành hơn 2,76 tỷ cổ phiếu cho 33.163 cổ đông, tương ứng hơn 27.666 tỷ đồng vốn điều lệ. Sau thay đổi trên, tổng vốn điều lệ của Vietcombank đã tăng từ 55.890 tỷ đồng lên gần 83.557 tỷ đồng, cao nhất hệ thống ngân hàng hiện nay.
Nếu hoàn thành cấu phần trên, vốn điều lệ Vietcombank dự kiến được nâng từ 83.557 tỷ đồng lên gần 88.988 tỷ đồng.

Dùng toàn bộ lợi nhuận 2024 để chia cổ tức
Trong tờ trình tới các cổ đông, Vietcombank cho biết lợi nhuận sau thuế riêng lẻ năm 2024 đạt hơn 33.084 tỷ đồng. Sau khi được điều chỉnh tăng từ lợi nhuận năm trước và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là hơn 23.149 tỷ đồng.
Theo tờ trình, Vietcombank sẽ dùng toàn bộ số lợi nhuận này để chia cổ tức. Tuy nhiên, việc chia cổ tức theo hình thức nào (cổ phiếu hay tiền mặt) không được nêu trong văn bản. Đồng thời, ngân hàng cũng cần sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có thể chia cổ tức.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa 16,28%
Phát biểu tại đại hội, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 10% trong năm 2025, điều chỉnh phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được giao. Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản ngân hàng ở mức gần 2,09 triệu tỷ đồng, như vậy có thể ước tính tổng tài sản của Vietcombank sẽ tiến sát mốc gần 2,3 triệu tỷ đồng.
Huy động vốn thị trường 1 dự kiến cũng tăng 8% và được điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng tín dụng được giao. Ước tính, tổng huy động TT1 có thể đạt 1,65 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tín dụng dự kiến tăng tối đa 16,28% và thực hiện theo thông báo của NHNN.
Trong năm 2025, Vietcombank cũng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% và lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 3,5%.Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 42.236 tỷ đồng. Ước tính từ kết quả này, kế hoạch lợi nhuận hợp nhất năm 2025 của ngân hàng vào khoảng 43.714 tỷ đồng.
Ngoài ra, mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ dự kiến đạt 42.734 tỷ đồng và được điều chỉnh theo ý kiến của NHNN sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.

Một số chỉ tiêu chính trong kế hoạch của Vietcombank. (Ảnh: Vietcombank).
Bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát
Tại đại hội, ngân hàng dự kiến bầu bổ sung thêm hai thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) và một thành viên Ban Kiểm soát (BKS). Nhiệm kỳ của thành viên HĐQT, BKS được bầu bổ sung là thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2023-2028.
Tại đại hội, HĐQT Vietcombank trình ĐHĐCĐ xem xét, thông qua miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT Vietcombank nhiệm kỳ 2023-2028 đối với ông Shojiro Mizoguchi, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc ngân hàng theo đề xuất của Ngân hàng Mizuho về việc thay thế người đại diện giữ chức vụ Thành viên HĐQT tại Vietcombank và đã được NHNN chấp thuận.
Đồng thời, ngân hàng cho biết hai ứng cử viên trong đợt bầu bổ sung Thành viên HĐQT này bao gồm ông Kohei Matsuoka (quốc tịch Nhật Bản) và bà Hoàng Thanh Nhàn.
Ông Kohei Matsuoka sinh năm 1969, là Ủy viên điều hành ngân hàng Mizuho kiêm Đồng Trưởng phòng Quản lý kinh doanh khu vực châu Á tại Phòng điều phối CIB toàn cầu, trụ sở chính Ngân hàng Mizuho Nhật Bản.
Bà Hoàng Thanh Nhàn sinh năm 1972, có trình độ học vấn Thạc sỹ ngân hàng, Cao cấp lý luận chính trị.
Theo tài liệu đại hội, trong giai đoạn, từ tháng 1/2023 đến tháng 3/2025, bà Nhàn giữ chức vụ Tổng Biên tập, điều hành hoạt động Thời báo Ngân hàng tại Thời báo Ngân hàng - NHNN. Từ tháng 3/2025 đến nay, bà Nhàn đang là Tổng Biên tập tại NHNN, trực tiếp tham mưu cho Ban Lãnh đạo NHNN các nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, đại hội cũng trình ĐHĐCĐ thông qua miễn nhiệm nhiệm vị trí Thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028 đối với ông Trịnh Ngọc An với nguyện vọng cá nhân.
Theo đó, Vietcombank dự kiến bầu bổ sung ông Trần Sỹ Mạnh làm Thành viên Ban BKS nhiệm kỳ 2023-2028. Ông mạnh sinh năm 1973, có trình độ học vấn Thạc sỹ. Từ tháng 3/2017 đến nay, ông đang đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Kế hoạch, trụ sở chính Vietcombank.
THẢO LUẬN
Câu 1: Tác động của chính sách thuế quan Trump đến ngành ngân hàng và tác động đến tình hình kinh doanh Vietcombank?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tùng: Hiện nay, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nếu Mỹ áp dụng chính sách thuế quan mới với mức thuế suất cao lên tới 46%, dự báo sẽ có khoảng 55–56% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP, hoạt động thương mại và sản xuất trong nước.
Đối với Vietcombank, tác động sẽ đặc biệt rõ rệt do ngân hàng đang chiếm khoảng 20% thị phần tài trợ thương mại toàn thị trường. Nhiều khách hàng của Vietcombank là các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ trong các lĩnh vực như điện tử, gỗ, thuỷ sản, nhựa... – đây đều là những ngành dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế cao.
Ngoài ra, danh mục khách hàng FDI tại Vietcombank cũng rất lớn, chiếm hơn 20% tổng dư nợ bán buôn, hơn 40% tổng huy động vốn và hơn 50% về một số chỉ tiêu khác. Điều này khiến Vietcombank chịu tác động lớn hơn nhiều ngân hàng khác trong hệ thống.
Trước tình hình đó, Vietcombank cho biết đã chủ động phối hợp với các khách hàng để đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động, trong đó có việc hỗ trợ tài chính, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, Vietcombank cũng tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý để có định hướng phù hợp theo từng ngành nghề.
Mới đây, ngân hàng đã ký kết một thỏa thuận tài trợ cho Vietnam Airlines mua 50 máy bay Boeing từ Mỹ. Động thái này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mà còn góp phần giảm chênh lệch cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ – điều có thể giúp giảm áp lực từ phía chính sách của Mỹ.
Câu 2: Phương án tái cấu trúc ngân hàng VCBNeo?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tùng: Ngay khi tiếp nhận ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc, Vietcombank đã tích cực rà soát toàn bộ hoạt động của tổ chức tín dụng này, nhận diện các rủi ro tiềm ẩn, điểm yếu và xây dựng lộ trình hành động phục hồi phù hợp.
Tính đến cuối tháng 4, ngân hàng đã hoàn tất chuyển đổi hệ thống core banking cho ngân hàng xây dựng, đảm bảo an toàn hệ thống CNTT và toàn bộ dữ liệu khách hàng. Nhiều công nghệ, nền tảng và nhân lực đã được chuyển giao cho VCBNeo – đơn vị mới được Vietcombank xây dựng để vận hành ngân hàng này theo mô hình ngân hàng số.
VCBNeo đang được định hướng phát triển dựa trên công nghệ hiện đại, tối ưu chi phí, giảm phụ thuộc vào nhân lực truyền thống. Mục tiêu là xây dựng mô hình ngân hàng số có tính tự chủ cao, phục hồi hiệu quả và bền vững. Vietcombank cho biết đang tiếp tục hoàn thiện chiến lược toàn diện để tái cấu trúc ngân hàng, sẽ thông tin thêm khi có kết quả cụ thể.
Câu 3: Cập nhật tiến độ kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn?
Ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết kế hoạch tăng vốn đã được xây dựng trong thời gian dài, tuy nhiên việc triển khai gặp khó khăn do môi trường không thuận lợi và chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp như kỳ vọng.
Năm 2023, ngân hàng đã phát hành cổ tức 18,1%, và trong năm 2024 là 49,5% (trả bằng cổ phiếu), vốn điều lệ tăng lên tương ứng 83.557 tỷ đồng. Lãnh đạo ngân hàng đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2024 đang khởi sắc, tạo điều kiện phù hợp để tái khởi động kế hoạch tăng vốn và tiếp cận một số nhà đầu tư tiềm năng – bước đầu đã có phản hồi tích cực.
Tuy nhiên, việc hoàn thành kế hoạch tăng vốn trong năm 2025 vẫn phụ thuộc nhiều vào bối cảnh vĩ mô và sự quan tâm của nhà đầu tư.
Câu 4: Kết quả kinh doanh quý I của ngân hàng Vietcombank?
Ông Lê Quang Vinh,Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết các chỉ tiêu kinh doanh trong quý I/2025 đều tăng trưởng tốt, đặc biệt là tín dụng và hoạt động tài trợ thương mại quốc tế (chiếm khoảng 20% thị phần). Trong quý đầu năm, ngân hàng cũng đã ký kết nhiều hợp đồng tín dụng quan trọng, góp phần đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng.
Hoạt động huy động vốn tăng trưởng ổn định, doanh số mua bán ngoại tệ cải thiện rõ rệt. Lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó thu nhập ngoài lãi đóng góp ngày càng cao vào cơ cấu lợi nhuận chung. Chi tiết sẽ được cung cấp trong BCTC dự kiến công bố trong tuần sau.