Giá bán USD ngân hàng chạm mốc 26,000 đồng trước đòn thuế của Mỹ

Chỉ số DXY trên thị trường quốc tế lao dốc mạnh trong khi tỷ giá USD/VND ngân hàng nhảy vọt trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế đối ứng với các quốc gia có quan hệ thương mại với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều 2/4 (giờ địa phương) đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và mức thuế quan cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ.

Ngoài mức thuế cơ bản 10%, chính quyền ông Trump cũng sẽ áp dụng thuế đối ứng đối với các quốc gia khác mà Nhà Trắng coi là có sự mất cân bằng thương mại với Mỹ.

Bất ngờ là Việt Nam nằm ở top những quốc gia bị áp thuế đối ứng cao nhất lên tới 46%. Các nền kinh tế khác trong khu vực cũng bị áp thuế như: Campuchia ở mức 49%, Thái Lan bị áp mức thuế 36%, Trung Quốc 34%, Đài Loan, Indonesia ở mức 32%.

Phản ứng với quyết định thuế quan của Mỹ, chỉ số DXY và tỷ giá USD/VND ngân hàng có biến động trái chiều.

Diễn biến chỉ số USD-Index trong vòng 3 năm trở lại đây

Nguồn: marketwatch

Trên thị trường quốc tế, giá USD giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng với chỉ số DXY giảm 0.73 điểm so ngày hôm trước (02/04), về còn 103.06 điểm (11h50 ngày 03/04).

Trong nước, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng nhẹ 3 đồng/USD so với hôm qua, lên mức 24,854 đồng/USD trong ngày 03/04.

Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch nằm trong khoảng từ 23,611-26,097 đồng/USD.

Tỷ giá USD/VND tham khảo tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước là 23,662-26,046 đồng/USD (mua vào- bán ra).

Tỷ giá USD/VND tại Vietcombank đóng cửa cuối phiên sáng 03/04 ở mức 25,610-26,000 đồng/USD (mua vào- bán ra), tăng 180 đồng/USD ở cả 2 chiều mua bán so với cuối ngày hôm qua (02/04).

Trên thị trường tự do, tỷ giá tăng 40 đồng/USD ở 2 chiều bán so với hôm qua, lên mức 25,870-25,970 đồng/USD (mua vào – bán ra).

Nhận định về diễn biến trên, ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng Phân tích chiến lược Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) cho biết đợt thuế này đánh lên tất cả các nước có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ (giá trị xuất khẩu vào Mỹ lớn) nên việc đánh thuế với mức cao sẽ làm cho quy mô thương mại giữa Mỹ và các nước còn lại suy giảm, dẫn đến nhu cầu sử dụng USD để mua hàng hóa cũng yếu đi khiến chỉ số DXY giảm.

Tuy nhiên đối với Việt Nam thì lại khác, tỷ giá USD/VND tăng, biến động tăng không dựa trên quan điểm thương mại giữa Việt Nam và Mỹ giảm, mà chủ yếu nằm ở chỗ áp lực lên tỷ giá USD/VND thời điểm này lớn.

Từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất và duy trì lãi suất ở mức cao trong năm 2024 đã tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND. Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng khá nhiều các biện pháp để duy trì tỷ giá USD/VND ở mức hợp lý, không tăng sốc thông qua bán dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất ở mức vừa phải. Mức lãi suất sau khi tăng cũng vẫn thấp hơn giai đoạn 2019-2020.

Một yếu tố quan trọng giúp tỷ giá USD/VND không tăng sốc trong thời gian qua chính nhờ xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam đạt mức khá tốt, giúp thu về lượng ngoại tệ USD và NHNN sử dụng USD đó để cân bằng lại áp lực trên thị trường ngoại hối, giữ tỷ giá USD/VND không tăng mạnh.

Tuy nhiên nếu như Mỹ đánh thuế ở mức cao đối với Việt Nam, nguồn thu USD từ xuất khẩu sang Mỹ sẽ không còn nhiều như trước nữa. Điều này sẽ tạo áp lực tăng lên tỷ giá USD/VND.

Nếu như Mỹ tăng thuế lên Việt Nam đúng như mức công bố là 46%, trong khi mức thuế mà Mỹ áp cho Trung Quốc thấp hơn Việt Nam thì Mỹ sẽ chọn mua hàng của Trung Quốc nhiều hơn. Điều này có thể làm cho giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm, dẫn đến giảm nguồn thu USD để cân bằng lại áp lực trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND phải tự điều chỉnh theo hướng tăng. Song mức độ tăng sẽ không nhiều. Trong năm có lúc tỷ giá USD/VND tăng 4% nhưng tựu chung lại vào cuối năm tỷ giá USD/VND sẽ chỉ tăng tầm 2-3% so với đầu năm”, ông Hiếu phân tích.

Khang Di