
Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) vừa làm việc với khoảng 50 doanh nghiệp hội viên (gồm: doanh nghiệp FDI), nhằm ghi nhận thông tin, tình hình ứng phó với thuế đối ứng 46% từ Mỹ đối với các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và kiến nghị từ phía doanh nghiệp.
Khách hàng ép giá
Theo khảo sát, có tới 52% doanh nghiệp trong HAWA có thị trường xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 50% doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đang đối mặt với loạt khó khăn ngắn hạn khi Mỹ áp thuế đối ứng như: đơn hàng giảm, khách hàng ngừng đặt hàng, yêu cầu giảm giá, gián đoạn chuỗi cung ứng và tồn kho gia tăng.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, khách hàng đã trao đổi dừng hoặc hoãn việc giao nhận hàng khi thuế được công bố. Một số đơn hàng đã ký kết hoặc đang chuẩn bị giao cũng bị hủy hoặc tạm ngừng thực hiện.
Trong khi đó, áp lực giá bán từ phía khách hàng tăng mạnh, buộc nhà cung cấp phải đàm phán lại điều kiện thương mại dù giá thành sản phẩm đang leo thang do chi phí nguyên liệu và nhân công không thể giảm.
Về dài hạn, doanh nghiệp lo ngại mất thị phần, giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu xuất khẩu và cơ cấu sản xuất hiện tại.
Mức thuế 46% là quá cao, khiến nhiều công ty không thể xoay xở dù đã cố gắng cắt giảm chi phí.
Do đó một số doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển hướng sang thị trường khác, song cho biết cần thêm thời gian để điều chỉnh.
Theo HAWA, một số ngành công nghiệp Mỹ hiện đang phụ thuộc vào nguyên liệu, linh kiện từ Việt Nam.
Do đó thuế quan mới có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng và lợi nhuận của chính các công ty Mỹ có đầu tư tại Việt Nam.
Chuyển hướng thị trường, nhưng chưa rõ ràng
Theo khảo sát, các doanh nghiệp ngành gỗ đang trong quá trình tìm giải pháp ứng phó, bao gồm mở rộng thị trường, đặc biệt sang châu Âu và các khu vực khác.
Khảo sát của HAWA cho thấy, một số doanh nghiệp cho biết họ vẫn chưa có sự chuẩn bị cụ thể vì phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Mỹ và đang chờ đợi thông tin chính thức từ chính phủ hoặc phản hồi từ khách hàng.
Một số khác đang trong quá trình xem xét lợi nhuận để đưa ra phương án giảm giá cho khách hàng và cải tổ các kế hoạch xuất khẩu.
Nhiều công ty cho rằng thuế 46% là quá cao và rất khó để đáp ứng được, ngay cả khi giảm chi phí sản xuất. Do đó, họ cần thời gian để thích ứng và dần chuyển hướng sang thị trường khác.
Việc mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là Châu Âu và các khu vực khác, là hướng đi chủ yếu, nhưng vấn đề giảm chi phí và tăng năng suất sản xuất vẫn là thách thức lớn.
Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ Việt Nam tiến hành các cuộc đàm phán nhanh chóng và mạnh mẽ với Mỹ để thấy được thiện chí của Việt Nam và tìm ra giải pháp có lợi cho cả 2 nước.
Các doanh nghiệp kiến nghị cần có lộ trình giảm thuế hợp lý, hỗ trợ thời gian thích ứng với chính sách mới. Để giải quyết vấn đề thiếu hụt hàng hóa, giá cả tăng cao do thuế cao, năng lực sản xuất chưa được xây dựng ở Mỹ, doanh nghiệp cho rằng cần kéo dài thời gian áp dụng thuế thêm ít nhất 45 - 90 ngày.
Đồng thời, doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng được giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ Mỹ và các sản phẩm gỗ có thuế suất cao (5-25%) để giúp các doanh nghiệp trong nước có thể nhập khẩu, xuất khẩu sang các thị trường khác.
Cộng đồng doanh nghiệp gỗ kỳ vọng Chính phủ sẽ đánh giá, kiểm soát việc "sản xuất trá hình" chỉ để lấy xuất xứ từ Việt Nam khiến cho thặng dư thương mại với Mỹ tăng cao và gây rủi ro cho toàn ngành.
Việc có cơ chế bảo vệ và ưu tiên hỗ trợ các đơn vị tuân thủ đúng quy định có thể giúp doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định có thể tránh bị liên lụy bởi những trường hợp vi phạm xuất xứ.
Ban Mai