Năm 2025, dự kiến cho vay tăng 30%
Ngày 29/3, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB - Mã: NVB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 với nhiều nội dung đáng chú ý.
Tại đại hội, NCB trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025, với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng mạnh. Cụ thể, NCB đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2025 tăng trưởng 14,6%, đạt 135.500 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 30%, đạt 92.528 tỷ đồng; huy động khách hàng tăng 23,2% với tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 56%.
Năm 2025, NCB dự kiến lợi nhuận trước phương án cơ cấu lại đạt 59 tỷ đồng, ngân hàng cũng cam kết dùng toàn bộ lợi nhuận để tiếp tục thực hiện phương án cơ cấu lại.
Nguồn: Tài liệu NCB
Tại đại hội, một điểm sáng được nêu ra là định hướng phát triển của NCB trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tiến tới việc loại bỏ “room” tín dụng. Theo Chủ tịch HĐQT NCB, bà Bùi Thị Thanh Hương chia sẻ, theo đề án cơ cấu lại của ngân hàng, NCB đã xây dựng một lối đi riêng về câu chuyện tăng trưởng tín dụng.
Bà Hương cho biết, trong năm 2024, NCB đã được NHNN cấp tỷ lệ tăng trưởng đạt 25,4% – con số cao hơn trung bình thị trường khoảng 10%. NHNN cũng đã theo dõi sát sao các khoản giải ngân mới của ngân hàng.
![]() |
Bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch HĐQT NCB phát biểu tại đại hội |
Nhờ sự ủng hộ của NHNN, tỷ lệ nợ xấu của các khoản nợ mới của NCB trong 3 năm trở lại đây đều dưới 1%. Chủ tịch HĐQT NCB tin rằng, khi NHNN có những chính sách điều chỉnh, kể cả thắt chặt hay nới lỏng tiền tệ, NCB vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cơ quan quản lý Nhà nước để ngân hàng hoàn thành sớm Phương án cơ cấu lại.
“Quý I này, chúng ta đã có thể tự nuôi được mình, bao gồm xử lý những vấn đề cũ và trang trải những chi phí mới phát sinh. Hết năm nay, ngân hàng sẽ có lãi”, bà Bùi Thị Thanh Hương phát biểu tại đại hội.
Với những kết quả mà ngân hàng đã đạt được trong ba năm qua và quý I/2025, Chủ tịch HĐQT NCB có niềm tin lớn vào thành quả trong tương lai, với sự ủng hộ từ cơ quan quản lý Nhà nước, cổ đông, khách hàng, đối tác, và đặc biệt là sự đồng lòng của cán bộ nhân viên.
Theo báo cáo của HĐQT và Tổng Giám đốc NCB, năm 2024, ngân hàng hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch do ĐHĐCĐ giao.
Cụ thể, tổng tài sản đạt 118.559 tỷ đồng tương đương 112% kế hoạch; tổng dư nợ cho vay đạt 71.175 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch; huy động vốn từ dân cư đạt 100.489 tỷ đông, bằng 117% kế hoạch; CASA tăng trưởng 54% so với năm 2024, góp phần tối ưu hóa chi phí vốn.
Quy mô khách hàng đến cuối 2024 của NCB đạt 1,346 triệu khách hàng, bằng 117% so với kế hoạch cả năm và tăng trưởng 34,6% so với cuối 2023; số lượng khách hàng dùng ứng dụng ngân hàng số iziMobile tăng đáng kể, đạt 107% kế hoạch.
Tuy nhiên, trong năm 2024, do NCB thực hiện đúng theo phương án cơ cấu lại đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Việc trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu và chi phí vốn của các khoản tồn tại cũ theo lộ trình tại phượng án là lý do khiến lợi nhuận năm 2024 ghi nhận mức âm.
Cổ phiếu Bamboo Airways có hướng xử lý tốt
Tại Đại hội, ban lãnh đạo NCB cũng đệ trình cổ đông kế hoạch phát hành 750 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 11.780 tỷ lên 19.280 tỷ đồng, tương đương tăng 63,67%, không giới hạn số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Toàn bộ cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Thời gian dự kiến phát hành/chào bán là từ Quý 2 đến Quý 4 năm 2025 (sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận tăng vốn và được Ủy ban Chứngkhoán Nhà nước thông báo nhận được hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ).
Số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư dự kiến là 7.500 tỷ đồng sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.
Trả lời cổ đông về xử lý khối tài sản hơn 200 triệu cổ phiếu Bamboo Airways, bà Bùi Thị Thanh Hương, Chủ tịch HĐQT NCB, cho biết tại thời điểm năm 2022, khi tập đoàn mẹ của Bamboo Airways là FLC đã gặp khó khăn, ngân hàng cũng đã có đối tác đến đặt vấn đề, cam kết và đặt cọc mua lại hơn 200.000.000 cổ phần do NCB sở hữu với số tiền dự kiến thu được đảm bảo sẽ cover hết toàn bộ gốc và lãi huy động cho NCB.
Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, ngành hàng không tiếp tục gặp khó khăn do câu chuyện khủng hoảng động cơ. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp hàng không trên toàn thế giới nói chung, và thị trường Việt Nam nói riêng, tiếp tục đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Với những khó khăn Bamboo Airways vốn không nằm ngoài tình trạng chung của các hãng hàng không khác tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là các hãng hàng không startup, đối tác đã gửi công văn đến NCB xin được gia hạn thanh toán số tiền mua hơn 200.000.000 cổ phần này, muộn nhất là đến năm 2026. Nếu chúng ta thu được số tiền đã đầu tư vào Bamboo, thì hy vọng tại thời điểm đó, ngân hàng sẽ có một khoản thu nhập bất thường để báo cáo đến quý vị cổ đông.
"Tất cả những gì chúng ta đang trích dự phòng, đang thoái lãi đến ngày hôm nay của NCB đều thực hiện một cách rất thận trọng", bà Hương cho biết.
Ái Linh