Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách các doanh nghiệp nằm trong kế hoạch thoái vốn đợt 1/2025. Danh sách gồm 31 doanh nghiệp, trong đó, SCIC đã hoàn tất bán vốn thành công tại Tổng Công ty Thăng Long, với giá trị đầu tư ban đầu là 105 tỷ đồng, chiếm 25,1% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp dự kiến thoái vốn lần này có nhiều tên tuổi lớn đang niêm yết trên sàn chứng khoán như FPT với gần 840 tỷ đồng vốn góp (tương ứng 5,7% vốn điều lệ), Domesco (DMC) với 120,5 tỷ đồng (chiếm 35%), Nhiệt điện Hải Phòng (HND) với 450 tỷ đồng (9%) và Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) với 514 tỷ đồng (11,4%).
![]() |
Danh sách các doanh nghiệp SCIC thoái vốn đợt 1/2025 |
Đặc biệt, SCIC đã công bố kế hoạch chào bán cạnh tranh toàn bộ lô cổ phần đang nắm giữ tại CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC). Theo đó, SCIC sẽ bán đấu giá lô 12.054.467 cổ phần, tương ứng 34,71% vốn điều lệ của Domesco, với giá khởi điểm hơn 1.531 tỷ đồng, tương đương khoảng 127.000 đồng/cp. Mức giá khởi điểm này cao gấp đôi so với thị giá thời điểm công bố kế hoạch ngày 18/4/2025 (61.200 đồng/cp). Cuộc đấu giá dự kiến được tổ chức công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vào ngày 12/5/2025. Các nhà đầu tư quan tâm sẽ phải hoàn tất đăng ký và đặt cọc từ ngày 15 đến 29/4, với mức đặt cọc 10% giá trị lô cổ phần theo giá khởi điểm.
Việc thoái vốn tại Domesco nằm trong kế hoạch tái cơ cấu danh mục đầu tư của SCIC theo Quyết định 690/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu sắp xếp và cơ cấu lại danh mục đến hết năm 2025. Domesco là một trong 74 doanh nghiệp SCIC dự kiến thoái toàn bộ vốn trong năm nay.
Bên cạnh hoạt động thoái vốn, kết quả kinh doanh năm 2024 của SCIC cũng ghi nhận những dấu ấn tích cực. Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, SCIC đạt lợi nhuận trước thuế 12.722 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2023 (5.650 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt 12.345 tỷ đồng, phản ánh hiệu quả hoạt động đầu tư và tái cơ cấu danh mục.
Trong lĩnh vực đầu tư, năm 2024, SCIC đã chủ động triển khai các kế hoạch theo Chiến lược và Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Cụ thể, SCIC đã giải ngân gần 500 tỷ đồng để mua cổ phần phát hành riêng lẻ tại Ngân hàng Quân đội (MBB), hoàn tất nghiên cứu phương án đầu tư 5.000 tỷ đồng mua cổ phần phát hành thêm tại Ngân hàng BIDV. Ngoài ra, SCIC cũng đang thúc đẩy kế hoạch hợp tác đầu tư phát triển cảng nước sâu Cái Mép (Vũng Tàu) cùng với các đối tác chiến lược.
Trong thời gian tới, SCIC dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư với các dự án trọng điểm, bao gồm kế hoạch rót vốn vào Vietnam Airlines, dự án khai thác muối mỏ kali tại Lào, cùng các dự án hạ tầng trọng yếu theo định hướng và chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.
Tính đến ngày 31/12/2024, danh mục đầu tư của SCIC gồm 110 doanh nghiệp, với tổng giá trị vốn góp theo sổ sách đạt 53.401 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp là 183.157 tỷ đồng. Giá trị thị trường ước tính xấp xỉ 8 tỷ USD.
Bước sang năm 2025, SCIC đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 11.987 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế dự kiến 9.252 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8.749 tỷ đồng. Dự kiến, tổng giá trị giải ngân cho hoạt động đầu tư trong năm sẽ lên tới 18.920 tỷ đồng.
Theo chiến lược phát triển giai đoạn 2026–2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, SCIC sẽ tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, đóng vai trò như nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ. SCIC sẽ ưu tiên rót vốn vào các lĩnh vực trọng yếu, có vai trò dẫn dắt thị trường, đồng thời khuyến khích và thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.
Thu Huyền