Sẽ kiểm tra ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi

Tới đây, lãi suất tiền gửi ngân hàng sẽ giảm để tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng đạt mục tiêu 8% như kế hoạch đề ra.

Theo lãnh đạo một số ngân hàng, tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ và NHNN các ngân hàng sẽ giảm trở lại lãi suất huy động, đồng thời khẳng định sẽ không tăng lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với DN, người dân.

Cam kết giảm lãi suất cho vay

Tại cuộc họp toàn hệ thống tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức vào chiều ngày 25/02/2025, quán triệt Công điện số 19/CĐ-TTg (ngày 24/02/2025) về việc tăng cường các giải pháp giảm lãi suất, góp phần triển khai các kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Theo ông Phạm Quang Thắng, Phó Chủ tịch Techcombank, lãi suất huy động ngân hàng nằm nhiều ở các kỳ hạn ngắn, để cơ cấu vốn ngân hàng tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn 6 tháng và giảm lãi suất ở một số kỳ hạn. Nếu tính chung toàn danh mục, lãi suất huy động bình quân vẫn giảm nên vẫn bảo đảm giãm lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, ông Thắng cho rằng vẫn đang có một số áp lực từ việc biến động giá vàng, tỉ giá, do đó, có ngân hàng cũng có điều chỉnh các danh mục lãi suất.

"Techcombank cam kết với Chính phủ, NHNN thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, nỗ lực giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp", ông Thắng nhấn mạnh.

Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), tháng 2/2025 Agribank điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay từ 0,2-0,5%/năm. Đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô trên 320.000 tỷ đồng ngay từ đầu năm 2025, với mức lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất thông thường từ 1-2%/năm.

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, cho biết hiện nay lãi suất cho vay của Agribank chỉ từ 4,0%/năm đối với ngắn hạn và chỉ từ 6,0%/năm đối với trung dài hạn.

Từ phía VietABank, ông Nguyễn Văn Trọng, Quyền Tổng giám đốc ngân hàng này cũng cam kết duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, giảm nhẹ lãi suất huy động trung và dài hạn, tạo điều kiện cho khách hàng, đặc biệt là các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp.

Xử lý nghiêm ngân hàng không công khai lãi suất

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết NHNN sẽ tập trung theo dõi sát động thái của hệ thống tổ chức tín dụng để điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.

NHNN sẽ kiểm tra đối với các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thời gian vừa qua. Qua đó, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là việc công bố lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay, hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp tổ chức tín dụng không công bố công khai thông tin lãi suất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN, các tổ chức tín dụng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, không đúng quy định của pháp luật...

Các ngân hàng cần đồng thuận tự triển khai chủ trương, NHNN cũng sẽ xem xét các kiến nghị của các ngân hàng thương mại, căn cứ vào các diễn biến thực tế trong và ngoài nước, từ đó có điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp.

"Trước đây, do khó khăn thanh khoản, đã từng có giai đoạn có 'cuộc đua' lãi suất cho vay và huy động lên rất cao. Hiện nay, tình hình thanh khoản hoàn toàn không đáng ngại, chỉ đạo về kiểm soát lãi suất là rất kịp thời, phòng ngừa từ sớm, tạo sự an toàn, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất. Việc này không chỉ hỗ trợ nền kinh tế mà dài hạn còn bảo đảm thanh khoản vững chắc, cũng như duy trì chất lượng nợ tốt hơn", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Ái Minh