SSI Research: Trong nguy có cơ, định giá TTCK đang rơi về đáy nhiều năm

SSI Research cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang có đợt bán mạnh, nhưng nền tảng định giá đang ở mức hấp dẫn. Cơ hội có thể mở ra với nhóm cổ phiếu phòng thủ hay ngành hạ tầng.

Ngày 2/4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, gây chấn động trên thị trường tài chính toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức thuế lên đến 46% đối với hàng xuất khẩu  sang Mỹ – cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng ban đầu từ 15% đến 20%.

Tại báo cáo chiến lược thị trường tháng 4, SSI Research đánh giá sự kiện này ở góc nhìn tin xấu thực tế cũng có thể trở thành cơ hội tiềm năng.

Dù không thể tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn, những lợi ích dài hạn cho Việt Nam sẽ đến từ mô hình tăng trưởng kinh tế  cân bằng do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại và đây vẫn là kịch bản cơ sở.

Nhóm phân tích cho rằng trong ngắn hạn, Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% cho năm 2025 và hai con số cho các năm tiếp theo. Chính sách tài khóa (kích cầu, đầu tư công) vẫn là điểm nhấn của năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nợ công  của Việt Nam vẫn đang ở mức rất thấp so với thế giới và thu ngân sách  tăng cao.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ được nới lỏng thêm do áp lực lên tỷ giá khó kéo dài lâu khi “chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ” đang dần bị thay thế bởi rủi ro suy thoái. Tuy nhiên trong ngắn hạn việc tỷ giá chịu áp lực cũng có thể ảnh hưởng đến sự linh hoạt của chính sách tiền tệ.

Trong dài hạn, việc có cơ hội nhanh chóng tiến tới có một hiệp định Thương mại tự do để làm cơ sở cân bằng hơn cán cân Thương mại  giữa hai nước, cũng như bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, sẽ là một bước tiến lớn của Việt Nam trong câu chuyện trở thành quốc gia kết nối.

Đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng đa dạng hơn thị trường xuất khẩu, cũng như tập trung hơn vào thị trường nội địa với các động lực tăng trưởng từ bên trong để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

VN-Index được kỳ vọng phục hồi nhanh trên nền định giá thấp

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index hiện đang giao dịch ở mức P/E hỗn hợp (trung bình của P/E 4 quý gần nhất và P/E ước tính 1 năm) là 11,6 lần, thấp hơn 25% so với mức trung bình từ năm 2016 đến nay là 15,5 lần.

So với các đợt điều chỉnh trước đây, P/E hỗn hợp hiện tại chỉ cao hơn mức thấp được ghi nhận trong đợt COVID-19 tháng 3/2020 và khi bị ảnh hưởng rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào cuối năm 2022.

 

Trong 10 năm qua, VN-Index đã điều chỉnh hơn 4% trong 24 lần. Mặc dù thị trường có thể còn động lực điều chỉnh trong ngắn hạn, tỷ lệ thị trường hồi phục sau giai đoạn 1 - 3 tháng và 12 tháng tương đối cao - ở mức 70% và 75% - với tỷ suất sinh lời trung bình sau 12 tháng là 16%.

"TTCK Việt Nam đang có đợt bán mạnh, nhưng trên nền tảng định giá đang ở mức hấp dẫn. Hệ số định giá P/E hỗn hợp về mức 11,6 lần sau 2 phiên giảm mạnh ngày 3 và 4/4, thấp hơn 25% so với mức trung bình từ năm 2016 đến nay", nhóm phân tích nhận định.

Do đó, SSI Research đánh giá đây là cơ hội cho các nhà đầu tư khi định giá TTCK Việt Nam hiện nay thấp hơn so với giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2028 - 2019.

Câu chuyện tăng trưởng nội địa của Việt Nam vẫn mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các yếu tố cụ thể, bao gồm nâng hạng TTCK và kết quả từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chinh trị, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và phát triển kinh tế tư nhân.

"Tin xấu có thể lại là cơ hội tốt đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là cơ hội ở các ngành phòng thủ như hàng tiêu dùng thiết yếu, năng lượng/điện, công nghệ thông tin và các ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng trong nước như vật liệu xây dựng", báo cáo nhấn mạnh.

Thu Thảo