Tiền nhàn rỗi 5,6 triệu tỷ vẫn ‘kẹt’ trong ngân hàng: Vì sao người Việt chưa chịu đầu tư?

Hơn 5,6 triệu tỷ đồng vẫn “nằm yên” trong ngân hàng, trong khi chỉ 0,4% dân số tham gia các quỹ đầu tư.

Trong khi các nền kinh tế phát triển đã chuyển mạnh từ tiết kiệm thụ động sang đầu tư chủ động, dòng tiền cá nhân tại Việt Nam vẫn chủ yếu “đóng băng” trong tài khoản ngân hàng. Theo Báo cáo chuyên đề “Việt Nam và hành trình kiến tạo ngành quản lý tài sản” của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), đến cuối năm 2024, tổng tiền gửi của người dân trong hệ thống ngân hàng vượt 5,6 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 60% GDP.

Tuy nhiên, chưa đến 0,4% dân số – tương đương khoảng 393.000 người – sở hữu chứng chỉ quỹ đầu tư công chúng. Khoảng cách quá lớn giữa tích lũy và đầu tư cho thấy mức độ tài chính hóa xã hội còn rất hạn chế, đồng thời phản ánh sự lãng phí nguồn lực dài hạn trong bối cảnh nền kinh tế đang cần vốn để tăng trưởng bền vững​.

Văn hóa tài chính và tâm lý phòng thủ

Thói quen “ăn chắc mặc bền” vẫn chi phối hành vi tài chính của đại bộ phận người dân. Theo SHS, nhóm đại chúng chiếm đến 70–85% dân số trưởng thành chủ yếu tích trữ tài sản dưới dạng tiền gửi, vàng, hoặc bất động sản quy mô nhỏ. Đây là các kênh truyền thống được ưa chuộng bởi tính an toàn, dễ tiếp cận và minh bạch. Trong khi đó, tâm lý ngại rủi ro, thiếu kiến thức đầu tư, cùng sự thiếu tin tưởng vào các định chế tài chính phi ngân hàng khiến phần lớn người dân chưa sẵn sàng thử nghiệm các kênh sinh lời chuyên nghiệp​.

Tiền nhàn rỗi 5,6 triệu tỷ vẫn ‘kẹt’ trong ngân hàng: Vì sao người Việt chưa chịu đầu tư?
Chân dung tài chính và nhu cầu quản lý tài sản của các nhóm dân cư tại Việt Nam. Nguồn: SHS Research.

Ngay cả tầng lớp trung lưu – vốn được kỳ vọng dẫn dắt quá trình chuyển dịch tài chính hộ gia đình – cũng chưa có động lực đủ mạnh để tham gia thị trường đầu tư. Mặc dù số lượng tài khoản sở hữu chứng chỉ quỹ đã tăng 54% trong năm 2024 so với năm 2023, con số tuyệt đối vẫn chỉ dừng ở 393.000 người, tức chưa đến 0,4% dân số. Nhu cầu đầu tư vẫn tiềm ẩn nhưng chưa được đánh thức đúng cách, nhất là khi người dân không nhìn thấy các sản phẩm đầu tư an toàn, đơn giản và linh hoạt đủ sức thay thế cho hình thức gửi tiết kiệm.

Vấn đề không chỉ nằm ở mức độ hiểu biết mà còn là ở cảm nhận rủi ro và trải nghiệm thực tế. Khi chưa có hệ sinh thái sản phẩm tài chính thân thiện và dễ tiếp cận, người dân sẽ tiếp tục duy trì trạng thái “đứng ngoài” hệ thống tài chính chính quy.

Sản phẩm, chi phí, thuế và cấu trúc phân phối: Những nút thắt kỹ thuật

Chi phí đầu tư cao đang là một trong những rào cản lớn nhất. Theo SHS, tỷ lệ chi phí quản lý của các quỹ cổ phiếu tại Việt Nam hiện ở mức khoảng 2%, còn các quỹ trái phiếu vào khoảng 1%. Mức này cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế vốn dao động dưới 1%​. Trong khi đó, quy mô tài sản quản lý bình quân mỗi quỹ vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 800–1.000 tỷ đồng, dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa bền vững.

Về chính sách thuế, Việt Nam vẫn duy trì khung thuế suất bất lợi cho nhà đầu tư cá nhân. Lợi nhuận từ đầu tư qua quỹ bị đánh thuế thu nhập cá nhân 5%, giao dịch chứng chỉ quỹ bị thu 0,1% trên giá trị giao dịch, và phí quản lý quỹ vẫn chịu VAT 10%​. Những chi phí này, dù không lớn trên từng giao dịch, nhưng tích lũy lại đủ để làm giảm kỳ vọng lợi nhuận, nhất là với nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Mặt khác, hệ sinh thái sản phẩm tài chính tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Hầu hết các quỹ hiện nay tập trung vào cổ phiếu, trái phiếu, và ETF mô phỏng chỉ số. Những sản phẩm có tính thanh khoản cao và rủi ro thấp như quỹ thị trường tiền tệ (MMF), quỹ tiết kiệm giáo dục, quỹ ESG hoặc các sản phẩm đầu tư định hướng hưu trí hiện chưa phát triển đúng mức. Đây là khoảng trống nghiêm trọng trong hệ thống sản phẩm, đặc biệt khi đối tượng mục tiêu là nhóm nhà đầu tư lần đầu cần những kênh an toàn để “bước chân vào thị trường”.

Ngoài ra, kênh phân phối vẫn còn hạn chế về mặt pháp lý. Ngân hàng – nơi nắm giữ lượng lớn tiền gửi cá nhân – hiện không được phép phân phối trực tiếp chứng chỉ quỹ mà chỉ có thể giới thiệu. Các nền tảng fintech như Finhay, Fmarket hay DigiInvest dù có tiềm năng nhưng vẫn đang ở quy mô nhỏ, chưa thể thay đổi hành vi tài chính phổ thông trên diện rộng​.

Dư địa tăng trưởng và điều kiện cất cánh

Một trong những chỉ số then chốt phản ánh mức độ phát triển ngành quản lý tài sản là tỷ lệ AUM/GDP. Theo SHS, tỷ lệ này tại Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 6,5%, trong khi mức trung bình toàn cầu là gần 100%, Thái Lan là 30%, còn Malaysia là 60%​. Điều này cho thấy dư địa phát triển vẫn còn rất lớn nếu các điều kiện hạ tầng và thể chế được cải thiện.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các quỹ đầu tư công chúng tại Việt Nam mới đạt khoảng 72.600 tỷ đồng, tương đương 0,8% GDP. Trong khi đó, gần 90% AUM lại đến từ khối tổ chức – đặc biệt là các công ty bảo hiểm – cho thấy thị trường nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự được kích hoạt.

Để khai thác hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi đang “kẹt” trong hệ thống, SHS đưa ra các nhóm giải pháp đồng bộ. Thứ nhất là cải cách thuế, với cơ chế miễn hoặc hoãn thuế cho các khoản đầu tư dài hạn – đặc biệt là quỹ hưu trí tư nhân. Thứ hai là mở rộng danh mục sản phẩm hướng đến đại chúng, đơn giản hóa quy trình tham gia, và hạ thấp chi phí đầu tư. Thứ ba là phổ cập giáo dục tài chính từ trường học đến cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ nguyên lý đầu tư và quản trị rủi ro. Cuối cùng là cải thiện khung pháp lý để các ngân hàng và nền tảng công nghệ tài chính có thể trực tiếp phân phối chứng chỉ quỹ, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng đại chúng.

Nếu làm được những điều đó, hơn 5,6 triệu tỷ đồng tiền nhàn rỗi sẽ không còn là "tiền chết" nằm yên trong ngân hàng, mà sẽ trở thành "vốn sống" góp phần nuôi dưỡng tăng trưởng dài hạn và nâng tầm hệ sinh thái tài chính Việt Nam​.

Trường Thanh