Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ lao dốc
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 10/4 (giờ Mỹ), khi nhà đầu tư tỏ ra nhẹ nhõm trước quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc tạm ngừng áp thuế trong vòng 90 ngày đối với hầu hết các quốc gia, qua đó đảo chiều làn sóng bán tháo trên thị trường trái phiếu một ngày trước đó.
Cụ thể, vào lúc 4:50 sáng theo giờ miền Đông, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm hơn 10 điểm cơ bản, xuống mức 4,288%, trong khi lợi suất kỳ hạn 2 năm cũng giảm tương tự, còn 3,841%. Trước đó một ngày, lợi suất trái phiếu 10 năm đã vọt lên hơn 4,51% – mức cao nhất trong phiên.

Động thái hạ nhiệt thị trường diễn ra sau khi ông Trump tuyên bố tạm dừng các mức thuế cao trong 90 ngày và áp dụng mức thuế chung 10% cho phần lớn quốc gia bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Trung Quốc không nằm trong diện được hưởng ưu đãi, khi mức thuế với hàng hóa nước này bị nâng lên 125%, trong bối cảnh căng thẳng thương mại song phương vẫn chưa hạ nhiệt.
Một ngày trước đó, thị trường trái phiếu chịu áp lực bán tháo mạnh, khiến giá giảm sâu và lợi suất tăng vọt – điều trái ngược với xu hướng thông thường khi nhà đầu tư thường tìm đến trái phiếu Chính phủ Mỹ như một kênh trú ẩn an toàn trong thời điểm bất ổn.
Giới quan sát nhận định áp lực từ thị trường trái phiếu có thể đã khiến ông Trump điều chỉnh chính sách. “Tôi đã theo dõi thị trường trái phiếu – đó là một thị trường rất phức tạp. Nhưng nếu nhìn vào lúc này, nó rất ổn. Đúng vậy, tôi thấy mọi người hôm qua bắt đầu lo lắng”, ông Trump phát biểu.
Trong một lưu ý gửi nhà đầu tư, các chuyên gia tại Deutsche Bank nhận định: “Dù quyết định hoãn thuế quan mang lại sự nhẹ nhõm phần nào, nhưng mức thuế chung tối thiểu 10% vẫn là mức tăng lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Rủi ro từ sự khó đoán trong chính sách thương mại vẫn còn nguyên”.
Giới đầu tư hiện cũng đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 – dự kiến công bố vào 8:30 sáng ngày 11/4 theo giờ miền Đông – để có thêm dữ liệu đánh giá sức khỏe kinh tế Mỹ. Báo cáo đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ lần lượt được công bố trong các ngày tiếp theo.
Chuyên gia tài chính ví chính sách thuế của ông Trump như “một bàn phản lưới”
Trước làn sóng chỉ trích gia tăng từ giới tài chính về chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump, nhà đầu tư kỳ cựu Howard Marks – đồng sáng lập Oaktree Capital – mới đây cũng lên tiếng, gọi đây là “một bàn phản lưới nhà” theo cách nói của người hâm mộ bóng đá.

Ông Marks nhận định: “Diễn biến liên quan đến thuế quan cho đến nay rất giống với Brexit – và ai cũng thấy hậu quả của nó. Brexit khiến nước Anh thiệt hại nặng nề về GDP, tinh thần quốc gia và quan hệ đồng minh; đồng thời làm tổn hại đến uy tín về năng lực điều hành và sự ổn định. Những tổn thất đó, tiếc thay, đều là do chính họ tự gây ra”.
Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Mỹ
Ngày 10/4, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yongqian cho biết nước này sẵn sàng đối thoại với Mỹ, nhưng phải trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định nước này không muốn đối đầu với Mỹ, nhưng sẽ không sợ hãi nếu Mỹ tiếp tục đe dọa áp thuế.
Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ ngày thứ 6 liên tiếp
Trong phiên giao dịch thứ Năm (ngày 10/4), tỷ giá hối đoái giữa đồng Nhân dân tệ (NDT) và USD đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trước khi phục hồi nhẹ do các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc chuẩn bị nhóm họp bàn về gói kích thích kinh tế.
Đồng Nhân dân tệ cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng so với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại.

Các đặt cược vào việc đồng Nhân dân tệ giảm giá đã gia tăng khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) liên tục điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu trong sáu phiên liên tiếp, dù với tốc độ thận trọng.
Nghị sĩ Mỹ muốn điều tra ông Donald Trump
Mới đây, Thượng nghị sĩ Adam Schiff, thành viên đảng Dân chủ đã kêu gọi Quốc hội Mỹ điều tra liệu Tổng thống Donald Trump "có liên quan giao dịch nội gián hay thao túng thị trường hay không", sau khi quyết định hoãn áp thuế đối ứng của ông khiến giá cổ phiếu tăng vọt.
"Tôi sẽ cố gắng tìm hiểu. Những đồng meme coin và những thứ liên quan đều nằm trong phạm vi giao dịch nội gián hoặc làm giàu cho chính bản thân. Tôi hy vọng sẽ sớm tìm ra", ông nói.
Nhà Trắng hiện tại chưa phản hồi về thông tin này.
Trung Quốc mở họp
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc dự kiến sẽ họp vào thứ Năm (ngày 10/4) để thảo luận về các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc – theo nguồn tin thân cận.
Cuộc họp khẩn được cho là sẽ tập trung vào các biện pháp hỗ trợ lĩnh vực nhà ở, tiêu dùng và đổi mới công nghệ. Một số cơ quan khác của Chính phủ Trung Quốc, bao gồm cả các Cơ quan quản lý tài chính, cũng đang tổ chức họp riêng để bàn các bước hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định thị trường, nguồn tin cho biết. Tuy nhiên, lịch trình có thể còn thay đổi.
Động thái này phản ánh mối lo ngại ngày càng lớn của Bắc Kinh trước những thiệt hại do căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vietjet ký hợp đồng "khủng" với đối tác Mỹ dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, nâng tổng kim ngạch lên 64 tỷ USD
Hãng hàng không Vietjet và AV AirFinance vừa ký kết thỏa thuận hợp tác tài chính trị giá 300 triệu USD, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chuyến công tác của đoàn Việt Nam tại Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương.
Thỏa thuận với AV AirFinance là một phần trong gói hợp tác tài chính trị giá 4 tỷ USD mà Vietjet đã ký kết cùng các đối tác hàng đầu của Mỹ. Các hợp đồng này phục vụ kế hoạch mở rộng đội tàu bay, bao gồm gần 300 máy bay dự kiến được bàn giao trong giai đoạn 2025 - 2027.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước tạm dừng áp thuế đối ứng, mức thuế còn 10%
Theo nguồn tin của báo Tuổi Trẻ Online, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - thành viên đoàn công tác của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc - Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Mỹ, đã xác nhận rằng chính quyền Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng 90 ngày đối với một số quốc gia, bao gồm có Việt Nam.
Cụ thể, mức thuế đối ứng được Mỹ đưa ra trong thời gian tạm hoãn chỉ ở mức 10% và sẽ áp dụng đồng đều cho tất cả các nước liên quan. Ông Tân khẳng định Việt Nam cũng được hưởng mức thuế 10% trong thời gian tạm hoãn đó. Như vậy, Việt Nam vẫn đang có nhiều lợi thế trong xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.
VN-Index tăng mạnh 72 điểm ngay đầu phiên, thị trường bùng nổ sắc xanh

Chỉ sau 5 phút mở cửa phiên ATO, VN-Index bật tăng 72 điểm (+6,6%), trở lại vùng 1.165 điểm – tương đương mức giá phiên liền trước. Sắc xanh lan tỏa trên sàn HoSE với gần trăm mã tăng trần, trong khi chỉ có 9 mã giảm điểm.
Theo đánh giá nhanh của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, đà tăng này phản ánh kỳ vọng vào chính sách kinh tế đang thay đổi liên tục dưới thời Tổng thống Donald Trump, dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn leo thang với mức thuế mới lên tới 125%.
Nhóm phân tích khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, hạn chế bán ra và chỉ nên cân nhắc giải ngân ở tỷ trọng thấp vào các cổ phiếu có tín hiệu mua rõ ràng.
Về kỹ thuật, Chứng khoán VPBankS cho rằng lực cầu bắt đáy trong phiên trước đã hoạt động mạnh, dù áp lực bán vẫn lớn khiến VN-Index mất mốc 1.100 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật giảm sâu, đặc biệt RSI tiệm cận vùng đáy hồi tháng 3/2020. Do đó, khả năng xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật trong các phiên tới vẫn được kỳ vọng.
Chứng khoán Thành Công (TCSC) nhận định tâm lý nhà đầu tư có thể dần ổn định. Đây là thời điểm phù hợp để cơ cấu danh mục, ưu tiên các cổ phiếu ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế mới.
Trung Quốc cảnh báo công dân du lịch và du học ở Mỹ
"Gần đây, vì mối quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ - Trung và tình hình an ninh nội địa ở Mỹ có chiều hướng xấu đi, Bộ Văn hóa và Du lịch khuyến nghị người dân Trung Quốc cần cẩn trọng và đánh giá đầy đủ các rủi ro khi tới Mỹ", thông báo viết.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo tương tự với các sinh viên đang du học ở Mỹ.
Tính đến hết năm 2024, có khoảng 1,6 triệu khách du lịch Trung Quốc tới Mỹ và hơn 250.000 học sinh sinh viên đang theo học tại các trường ở Mỹ.
Chứng khoán châu Á tăng rực rỡ
Theo chân chứng khoán Mỹ, thi trường châu Á Thái Bình Dương cũng tăng vọt với lực mua mạnh nhất kể từ năm 2008.
Nhật Bản dẫn đầu khu vực với chỉ số Nikkei 225 tăng 8,24%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 4,8%. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 5,09%.
Tương tự như cổ phiếu Nike, cổ phiếu của các công ty châu Á có liên quan đến Việt Nam tăng vọt. Là một trong những nước bị áp mức thuế đối ứng cao nhất, Việt Nam có vai trò là trung tâm sản xuất lớn của rất nhiều nhà xuất khẩu châu Á. Khoảng một nửa giày Nike và 39% giày Adidas là hàng "made in Vietnam".
Cổ phiếu của Ansell (Australia) tăng 15%. Cổ phiếu của Hansae, công ty Hàn Quốc có nhà máy dệt may lớn ở TP Hồ Chí Minh tăng 10%.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh
Thị trường chứng khoán Mỹ có phiên tăng bùng nổ trong thứ Tư (ngày 9/4), sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ thông báo tạm dừng áp dụng các mức thuế đối ứng cao với hầu hết quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc. Động thái này đã thổi bùng tâm lý hưng phấn và kích hoạt làn sóng mua mạnh chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Chỉ số S&P 500 tăng vọt 9,52%, chốt phiên ở 5.456,90 điểm - mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ năm 2008, đồng thời là lần tăng mạnh thứ ba trong lịch sử chỉ số này kể từ sau Thế chiến II.
Chỉ số Dow Jones bật tăng 2.962,86 điểm, tương đương 7,87%, lên 40.608,45 điểm - đánh dấu phiên tăng mạnh nhất tính theo phần trăm kể từ tháng 3/2020. Nasdaq Composite thậm chí tăng tới 12,16%, đóng cửa ở mức 17.124,97 điểm, thiết lập mức tăng trong ngày lớn thứ hai trong lịch sử, chỉ sau một phiên vào tháng 1/2001.

Khoảng 30 tỷ cổ phiếu được giao dịch trong phiên, mức cao nhất từng ghi nhận trên Phố Wall trong dữ liệu suốt 18 năm qua.
Cổ phiếu các doanh nghiệp từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi căng thẳng thương mại dẫn đầu đà phục hồi của thị trường. Apple tăng hơn 15%, Nvidia bật gần 19%, Walmart cộng thêm 9,6%, trong khi Tesla tăng vọt hơn 22% sau thông tin tạm hoãn áp thuế.

“Giá cổ phiếu đã giảm quá sâu, trong khi tâm lý thị trường rơi vào trạng thái bi quan. Việc tạm hoãn thuế trong 90 ngày giống như chất xúc tác cho một cú hồi phục mạnh. Tuy nhiên, cần nhớ rằng thuế quan chưa bị xóa bỏ - mức thuế với Trung Quốc hiện đã vượt mốc ba chữ số và không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra sau khi thời hạn 90 ngày kết thúc”, ông Adam Crisafulli, nhà sáng lập Vital Knowledge nhận định.
Dù vậy, thị trường bắt đầu tăng điểm từ đầu phiên chiều khi ông Bessent tuyên bố sẽ giữ vai trò chính trong các cuộc đàm phán về thuế. Trước đó, ngay sau khi mở cửa, ông Trump cũng đăng bài khuyến nghị nhà đầu tư rằng “đây là thời điểm tuyệt vời để mua vào”.
Tuyên bố tạm hoãn của ông Trump được công bố lúc 1:18 chiều theo giờ miền Đông, khi chỉ số Dow đang tăng khoảng 350 điểm. Chỉ vài giây sau, chỉ số này lập tức bứt phá hơn 2.000 điểm.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau đó, ông Trump cho rằng phản ứng của thị trường trong những ngày trước đó là quá mức. “Tôi nghĩ mọi người đang phản ứng thái quá. Họ trở nên lo lắng, run rẩy quá mức”, ông nói.
Trong bốn phiên giao dịch trước đó, nỗi lo về thuế quan đã khiến Dow Jones mất hơn 4.500 điểm, S&P 500 giảm 12%, và Nasdaq rơi hơn 13% - những mức giảm chưa từng thấy kể từ đại dịch Covid-19.
“Động thái này có thể giúp thị trường hồi phục ngắn hạn, nhưng tôi chưa cho rằng thị trường đã chạm đáy”, ông Sam Stovall, Chiến lược gia trưởng tại CFRA Research nhận định.
Nhà Trắng xác nhận Canada và Mexico không bị áp thêm thuế 10%
Một quan chức Nhà Trắng cho biết Canada và Mexico sẽ không phải chịu mức thuế bổ sung 10% theo chính sách thuế “đối ứng” mới mà Tổng Trump vừa công bố.
Theo đó, cơ cấu thuế hiện tại của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ hai quốc gia láng giềng - bao gồm mức thuế 25% với các mặt hàng không thuộc phạm vi Hiệp định thương mại USMCA - sẽ được giữ nguyên, không thay đổi.
Ông Trump: CEO JPMorgan Jamie Dimon thừa nhận "phải làm gì đó với thuế quan"
Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã xem cuộc phỏng vấn của Jamie Dimon - Giám đốc điều hành JPMorgan Chase - trong đó ông Dimon cảnh báo rằng suy thoái kinh tế có thể là “kịch bản rất có khả năng” nếu các mức thuế mới được duy trì.
Theo ông Trump, vị CEO ngân hàng hàng đầu nước Mỹ đã thể hiện quan điểm rõ ràng: “Phải làm gì đó với chính sách thuế và thương mại”. “Ông ấy rất thông minh, là một thiên tài về tài chính, và đã điều hành ngân hàng cực kỳ thành công”, ông Trump nhận xét.

Nhà Trắng từ chối công bố danh sách các quốc gia đề nghị đàm phán thuế với Mỹ
Nhà Trắng cho biết sẽ không công khai danh sách các quốc gia đã liên hệ với Mỹ để bắt đầu đàm phán về chính sách thuế "đối ứng" mà Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố tạm hoãn trong 90 ngày.
Trước đó, trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump khẳng định “hơn 75 quốc gia” đã gọi cho các quan chức Mỹ nhằm tìm kiếm thỏa thuận thương mại mới sau khi chính sách thuế quan được công bố.
Ông Trump tuyên bố áp thuế Trung Quốc 125%, hoãn áp thuế 90 ngày với hơn 75 quốc gia "không trả đũa"
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc lên 125%, bắt đầu áp dụng ngay lập tức. Ông cho rằng Trung Quốc đã không tôn trọng các quy tắc của thị trường toàn cầu.

Thông báo được đưa ra trên mạng xã hội Truth Social vào rạng sáng ngày 10/4 (theo giờ Việt Nam), trong đó ông Trump cho biết động thái này nhằm gửi thông điệp rõ ràng rằng “thời kỳ Trung Quốc và các quốc gia khác trục lợi từ Mỹ đã kết thúc”.
Tuy nhiên, cũng trong bài viết, ông Trump cho biết có hơn 75 quốc gia đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng của Mỹ - như Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Văn phòng Đại diện Thương mại - để đàm phán.
"Do các quốc gia này đã không thực hiện bất kỳ hành động trả đũa nào chống lại Mỹ, tôi quyết định áp dụng mức thuế đối ứng thấp hơn đáng kể, ở mức 10%, trong thời gian tạm dừng áp thuế trong 90 ngày. Cả hai biện pháp có hiệu lực ngay lập tức", ông Trump viết.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ: “Đây là chiến lược của ông Trump ngay từ đầu”
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định việc tạm hoãn áp thuế với hàng chục quốc gia khác đã nằm trong kế hoạch từ trước của Tổng thống Donald Trump. “Đây là chiến lược của ông ấy ngay từ đầu”, ông Bessent nói với báo giới tại Nhà Trắng.
Ông Bessent cũng tiết lộ rằng ông Trump muốn trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán về thuế, và đây là lý do Nhà Trắng quyết định công bố thời gian tạm dừng 90 ngày. “Mỗi quốc gia sẽ là một cuộc đàm phán riêng biệt, được thiết kế riêng theo từng trường hợp”, ông Bessent cho biết.
Ngay sau thông tin này, thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt. Chỉ số S&P 500 tăng 7%, hướng tới mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ năm 2020. Chỉ số Dow Jones bật tăng 2.331 điểm, tương đương 6,1%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm. Nasdaq Composite dẫn đầu đà phục hồi với mức tăng tới 8,8%.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent sau đó làm rõ rằng tất cả các nước — ngoại trừ Trung Quốc — sẽ trở lại mức thuế cơ bản 10% trong khi chờ đàm phán. Tuy nhiên, các mức thuế riêng theo ngành vẫn được giữ nguyên.
Cổ phiếu của các công ty từng bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc chiến thuế quan dẫn đầu đà hồi phục. Apple tăng 7%, Nvidia vọt lên 10%, trong khi Walmart cộng thêm 9%.
Chung Khanh-Theo CNBC