
Năm 2025, dự kiến dư nợ tăng 22%
Tại đại hội, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB, chia sẻ năm 2024 là năm thứ 8 trong hành trình chuyển đổi chiến lược 10 năm (2017-2026) để trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam về quy mô và chất lượng.
Năm 2024, VIB cho vay tăng 22%, và huy động tăng 17%. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngân hàng không đạt như kỳ vọng là do VIB đã chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đầu tư cho lợi ích dài hạn cho khách hàng và cổ đông. Trong năm 2024, VIB tập trung giảm mạnh lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống, trích lập dự phòng cấp tiến để làm sạch bảng tổng kết tài sản; đầu tư xây dựng cơ sở khách hàng tốt để giảm rủi ro, đầu tư vào các giải pháp tiên tiến về sản phẩm dịch vụ, vào số hóa và công nghệ để làm nền tảng phát triển lâu dài.
Năm 2025 mở ra nhiều cơ hội phát triển, dù còn nhiều tồn tại từ chính thay đổi trong nước và thế giới, xu hướng số hóa tiếp tục làm thay đổi ngành tài chính, đòi hỏi ngành ngân hàng phải thích ứng nhanh chóng, đảm bảo năng lực vận hành.
![]() Nguồn: VIB |
Năm 2025, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 22% so với kết quả 2024, đạt 11.020 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến đến 31/12/2025 đạt 600.350 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng 22% lên 395.800 tỷ đồng, bao gồm cho vay, trái phiếu doanh nghiệp, mua nợ.
Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng dư nợ và phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được NHNN giao. Huy động dự kiến tăng 26% lên 377.300 tỷ đồng, gồm tiền gửi và giấy tờ có giá. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Chia cổ tức tiền mặt 7%, tăng vốn lên 34.040 tỷ đồng
Tại đại hội, VIB đã trình cổ đông thông qua việc chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, phát hành hơn 417 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 14% và phát hành 7,8 triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên.
Với kết quả đạt được trong năm qua, sau khi trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền, lợi nhuận hợp nhất còn lại của VIB là hơn 4.059 tỷ đồng, lợi nhuận riêng lẻ là hơn 3.963 tỷ đồng.
Cổ phiếu thưởng cho cổ đông không bị hạn chế chuyển nhượng, còn cổ phiếu thưởng cho nhân viên sẽ bị hạn chế giao dịch trong vòng 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Nếu hoàn tất 2 đợt phát hành trên, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ 29.791 tỷ đồng lên 34.040 tỷ đồng.
Theo VIB, việc tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, tạo nền tảng để phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, nhân sự, mở rộng mạng lưới chi nhánh, thị phần và quy mô hoạt động của Ngân hàng. Đồng thời, giúp đảm bảo tuân thủ, đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động kinh doanh, bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng và đầu tư tài sản thanh khoản.
VIB cũng sẽ trình ĐHĐCĐ bầu bổ sung 01 thành viên HĐQT nhiệm kỳ IX (2023-2027). Tuy nhiên, tính đến hạn cuối nhận hồ sơ, Ngân hàng không nhận được danh sách ứng cử, do đó, HĐQT trình về việc không bầu bổ sung thành viên HĐQT.
Thù lao của HĐQT và BKS đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 duyệt là 0,25% lợi nhuận trước thuế năm 2024. Theo đó, mức ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS năm 2025 tối đa được sử dụng là 22,5 tỷ đồng. Chi phí thực tế đã trả cho các thành biên HĐQT và BKS tính đến ngày 31/12/2024 là gần 11,8 tỷ đồng.
VIB cũng dự kiến trình thù lao của HĐQT và BKS năm 2025 là 0,25% lợi nhuận trước thuế năm 2025.
Lợi nhuận quý 1 khoảng 20-22% mục tiêu lãi cả năm
Về kết quả kinh doanh những tháng đầu năm 2025, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cho biết tính đến ngày 10/3/2025, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng khoảng 1,2% và dự báo đến hết quý I/2025 tăng gần 2%, trong khi VIB tăng khoảng 3%.
Năm nay, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 22%. Vốn có bao nhiêu, thì được huy động 10-11 lần vốn. Vốn bỏ ra bao nhiêu, hệ số CAR đảm bảo để cho vay. Năng lực cho vay của VIB rất cao, trong 10 năm tới VIB tiếp tục tăng trưởng 20%. Trong đó, ngân hàng đẩy mạnh cho vay đối với phân khúc bán lẻ, hiện bán lẻ chiếm 80% trong tổng dư nợ của VIB.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc vốn ngoại thay đổi có ảnh hưởng đến chiến lược ngân hàng? Ông Vỹ cho biết Commonwealth Bank of Australia (CBA) đầu tư vào VIB từ năm 2010, với khoản vốn ban đầu 75 triệu USD, nhưng khi thoái vốn đã thu về (tính cả cổ tức) gần khoảng 500 triệu USD.
Sau khi CBA thoái vốn, room ngoại tại VIB còn trống khoảng 25%. VIB đang trong quá trình tìm hiểu các đối tác nước ngoài để có thể chọn được nhà đầu tư đem lại được hiệu quả cho Ngân hàng cũng như mang lại lợi ích tốt cho cổ đông. Sau khi hoàn thành, HĐQT Ngân hàng sẽ trình xin ý kiến cổ đông.
Cập nhật mới nhất ngày 17/03/2025, Pyn Elite Fund đang sở hữu hơn 57,65 triệu cổ phiếu VIB, tương đương tỷ lệ 1,94%; trong khi Commonwealth Bank of Australia (CBA) không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của VIB sau gần 15 năm gắn bó với vai trò cổ đông chiến lược.
VIB cũng đang tìm kiếm một hoặc một số đối tác thích hợp cho VIB, đảm bảo phù hợp về tài chính, cộng sinh sức mạnh của đối tác về hỗ trợ, vốn và công nghệ. Khi có kết quả, VIB sẽ xin ý kiến cổ đông.
Đối với câu hỏi khi Nghị quyết 42 không được luật hóa thì có ảnh hưởng gì tới xử lý nợ xấu của VIB? Theo ông Vỹ, khi tái cơ cấu ngân hàng có nhiều doanh nghiệp được tái cơ cấu, có lợi thế lớn về các khoản vay, tệp khách hàng lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Nếu tái cơ cấu vẫn được ghi nhận lợi nhuận.
Trong khi đó, VIB có khoảng 80% cho vay qua tài sản bảo đảm đối với khách hàng cá nhân, do đó trích lập dự phòng toàn bộ với lượng khách hàng cá nhân này.
Nếu Nghị quyết 42 không được luật hóa sẽ có ảnh hưởng đến ngân hàng, mong NHNN tìm cách tháo gỡ, kỳ vọng trong thời gian tới sẽ được thông qua. Nếu được thông qua, sẽ có lợi ích lớn với hệ thống ngân hàng, nhất là những ngân hàng không có lượng DN tái cơ cấu, sẽ thu hồi được ngay, tích cực cho lợi nhuận ngân hàng.
Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.
Ban Mai