Vượt Mỹ, robot Trung Quốc 'đánh bật' thuế quan, trở thành vũ khí trên bàn cờ thương mại

Hiện nay, tốc độ tự động hóa tại Trung Quốc đã vượt qua cả những cường quốc công nghiệp như Mỹ, Đức và Nhật Bản.

Trong khi thế giới còn đang tranh luận về hiệu quả của thuế quan, thì tại hàng ngàn nhà máy khắp Trung Quốc, đội quân robot đã lặng lẽ tiếp quản dây chuyền sản xuất.

Những cánh tay máy chính xác đến từng milimet, không biết mệt mỏi đang trở thành lợi thế chiến lược giúp nền sản xuất Trung Quốc giữ vững vị thế trên bàn cờ thương mại thế giới.

Từ những xưởng nhỏ ở Quảng Châu đến các nhà máy xe điện hiện đại, đội quân máy móc ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ đang giúp Trung Quốc duy trì lợi thế xuất khẩu giữa lúc đối mặt với hàng loạt rào cản thương mại.

Tự động hóa – Lá chắn trước làn sóng thuế quan

Bằng cách triển khai robot để thay thế lao động truyền thống, các nhà máy Trung Quốc không chỉ cắt giảm chi phí mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này cho phép họ duy trì mức giá cạnh tranh, bất chấp các rào cản thương mại từ Mỹ, EU hay các nền kinh tế đang nổi như Ấn Độ và Brazil.

Hiện nay, tốc độ tự động hóa tại Trung Quốc đã vượt qua cả những cường quốc công nghiệp như Mỹ, Đức và Nhật Bản. Theo Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), nước này chỉ đứng sau Hàn Quốc và Singapore về mật độ robot trên mỗi 10.000 công nhân sản xuất.

Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã định hướng chiến lược phát triển robot trong kế hoạch "Made in China 2025", biến tự động hóa thành trụ cột của ngành sản xuất hiện đại.

Robot Trung Quốc 'đánh bật' thuế quan Mỹ: Siêu cường châu Á làm chủ chuỗi sản xuất toàn cầu như thế nào? - ảnh 1
Đội quân robot công nghiệp được điều khiển bằng AI đang làm thay đổi hoàn toàn ngành sản xuất Trung Quốc. Ảnh: NYT

Tại một xưởng cơ khí nhỏ ở Quảng Châu, Elon Li – chủ sở hữu – đang chuẩn bị đầu tư gần 300.000 NDT để lắp đặt cánh tay robot gắn camera, thay thế phần lớn công việc hàn của con người.

Chỉ 4 năm trước, công nghệ tương tự có giá gần 1 triệu tệ và phải nhập khẩu từ nước ngoài. “Công nhân chỉ có thể làm trong 8 giờ, nhưng robot có thể làm 24 giờ mỗi ngày. Tôi chưa từng nghĩ rằng mình có thể sở hữu công nghệ như vậy với mức giá này”, Li chia sẻ.

Không chỉ tại các xưởng nhỏ, những nhà máy quy mô lớn như của hãng xe điện Zeekr tại Ninh Ba cũng đang vận hành hàng trăm robot. Con số này đã tăng mạnh từ 500 lên hơn 800 chỉ sau 4 năm.

Tại đây, các quy trình hầu như không cần đến bàn tay con người. Robot vận chuyển, nấu chảy, đúc khuôn, hàn nối... thậm chí kiểm tra chất lượng sản phẩm bằng hệ thống AI tích hợp camera độ phân giải cao.

“Phần lớn công việc giờ chỉ là quan sát màn hình”, một nhân viên nhà máy cho biết.

Robot Trung Quốc 'đánh bật' thuế quan Mỹ: Siêu cường châu Á làm chủ chuỗi sản xuất toàn cầu như thế nào? - ảnh 2
Robot không chỉ thay thế công nhân trong các nhà máy ô tô mà còn thay thế công nhân tại hàng nghìn xưởng nhỏ trên khắp Trung Quốc. Ảnh: The Star

Tham vọng của Trung Quốc

Không dừng lại ở việc tự động hóa sản xuất, Trung Quốc đang tiến xa hơn: thúc đẩy sự phát triển của robot hình người. Các doanh nghiệp như Yunmu Robotics – nơi đang dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo robot hình người – đã được Chính phủ khuyến khích chuyển hướng từ sản xuất sang thương mại hóa công nghệ này như một ngành mũi nhọn.

CEO Xia Liang chia sẻ: “Kỳ vọng đối với robot hình người là tái tạo ngành công nghiệp xe điện. Vì vậy, xét theo góc độ này, đây là chiến lược quốc gia”.

Cùng lúc, Trung Quốc còn mua lại các công ty robot hàng đầu thế giới, như thương vụ thâu tóm Kuka (Đức), nhằm đẩy nhanh quá trình nội địa hóa công nghệ. Kết quả là tại nhà máy sản xuất ô tô điện của Volkswagen ở Hợp Phì, hơn 1.000 robot đang vận hành đều là sản phẩm sản xuất tại Thượng Hải.

Dù công nghệ đang bùng nổ, không phải ai cũng hào hứng. Jing Yuanjie (27 tuổi), lái xe nâng tại nhà máy Zeekr, cho biết mình ngày càng cảm thấy đơn độc giữa một nhà máy đầy robot.

Anh lo ngại rằng với chỉ bằng tốt nghiệp phổ thông, anh có thể không còn cơ hội khi máy móc tiếp tục thế chỗ con người. “Tôi có thể cảm nhận được, mọi thứ đều tự động”, anh nói.

Robot Trung Quốc 'đánh bật' thuế quan Mỹ: Siêu cường châu Á làm chủ chuỗi sản xuất toàn cầu như thế nào? - ảnh 3
Một chiếc xe đẩy robot chở phụ tùng ô tô tại nhà máy Zeekr. Ảnh: Qilai Shen

Sự phát triển của robot cũng phản ánh một thực tế đáng lo ngại rằng lực lượng lao động Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Số trẻ em sinh ra mỗi năm đã giảm gần 2/3 so với năm 1987, trong khi số sinh viên đại học không còn mặn mà với các công việc tay chân.

Stephen Dyer, giám đốc bộ phận công nghiệp châu Á tại Công ty tư vấn AlixPartners, bình luận: “Thời kỳ vàng của lợi thế dân số đã qua. Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng dân số giảm sút và cách duy nhất để giải quyết là tăng năng suất”.

Cuộc đua chưa dừng lại

Trong báo cáo công tác mới nhất, Thủ tướng Lý Cường cam kết thúc đẩy phát triển robot thông minh. Quỹ đầu tư quốc gia trị giá 1.000 tỷ NDT đã được thiết lập để hỗ trợ lĩnh vực này cùng với AI và các công nghệ then chốt khác.

Ngay cả những sự kiện công cộng cũng được tận dụng để “truyền thông điệp robot”. Gần đây, tại giải bán marathon ở Bắc Kinh, 20 robot hình người đã tham gia thi chạy cùng 12.000 người – chỉ có 6 robot về đích, nhưng màn trình diễn đã giúp thu bút sự chú ý về tiềm năng của ngành robot Trung Quốc.

Thiên Kim - Theo The New York Times