
Để hiểu rõ hơn bức tranh thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam và khu vực năm 2025, các chuyên gia đã có những chia sẻ chuyên sâu tại buổi tọa đàm: “Bán lẻ 2025: Nhận diện cơ hội và triển vọng của thị trường” được tổ chức với sự đồng hành tài trợ từ ba đơn vị bất động sản danh tiếng gồm Masterise Homes, Keppel, và OSI Holdings (Oriental Square).
Trung Quốc: Bài học giá trị từ Thượng Hải
Theo bà Nancy Wong, Quản lý cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn tại Savills Châu Á – Thái Bình Dương, doanh số bán lẻ tại thị trường Châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025. So với các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bán lẻ Việt Nam duy trì mức tăng theo năm, chỉ sau Ấn Độ.
Cùng với đó, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực tiếp tục cải thiện trong năm 2024, với nhiều điểm đến được dự báo sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2025. Điều này đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngành bán lẻ Việt Nam.
Trước đại dịch, Trung Quốc đại lục là thị trường nguồn quan trọng nhất của ngành du lịch khu vực. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong lượng khách từ thị trường này đã thu hẹp quy mô chung của ngành.
Về triển vọng ngành bán lẻ, các thương hiệu ẩm thực – ăn uống, thời trang thể thao, thể hình và chăm sóc sức khỏe sẽ dẫn dắt nhu cầu thuê mặt bằng trong năm 2025. Một trong những nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là xu hướng sống lành mạnh đang ngày càng được chú trọng và sự gia tăng các hoạt động ngoài trời.
Ở góc độ thách thức, căng thẳng địa chính trị leo thang có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng và làm gia tăng bất ổn kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, những biến động từ chính quyền mới tại Mỹ cũng tạo ra nhiều yếu tố khó đoán định. Dù vậy, thị trường cho thuê mặt bằng được đánh giá có triển vọng tương đối khả quan trong ngắn hạn, với kỳ vọng phần lớn thị trường sẽ phục hồi dần trong năm 2025.
Bà Stephanie Lau, Quản lý Cấp cao, Đại diện Khách thuê Bán lẻ tại Savills Trung Quốc, cho biết thị trường bán lẻ Thượng Hải đang ghi nhận sự chuyển dịch đáng kể với 02 xu hướng chính: bùng nổ của phong cách athleisure và xu hướng dịch chuyển của các nhà bán lẻ từ trung tâm thương mại sang cửa hàng mặt phố.
Xu hướng athleisure – phong cách kết hợp giữa thời trang thể thao và trang phục hàng ngày – đang ngày càng được ưa chuộng tại Trung Quốc, phản ánh sự thay đổi trong lối sống của người tiêu dùng. Các thương hiệu như Lululemon, một trong những cái tên tiên phong trong phân khúc này, đang mở rộng mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với thời trang tiện lợi, năng động nhưng vẫn mang tính thẩm mỹ cao.
Xu hướng thứ 2, nhiều thương hiệu quốc tế đang rời khỏi các trung tâm thương mại để mở cửa hàng riêng trên các tuyến phố mua sắm sầm uất như Đại lộ Nam Kinh. Những thương hiệu như Gentle Monster, Aesop, Supreme đã và đang mở rộng mạng lưới cửa hàng mặt phố nhằm tăng cường sự hiện diện thương hiệu, tạo ra không gian trải nghiệm độc đáo và kết nối gần gũi hơn với khách hàng.
Theo bà Lau, việc này không chỉ giúp các thương hiệu kiểm soát tốt hơn thiết kế cửa hàng, chiến lược tiếp thị mà còn tối ưu hóa doanh thu bằng cách tận dụng dòng khách hàng từ các khu vực trung tâm.
“Những xu hướng này mang lại nhiều bài học quan trọng cho thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh hành vi tiêu dùng ngày càng thay đổi, các nhà bán lẻ Việt Nam có thể cân nhắc việc mở rộng mô hình cửa hàng mặt phố tại những vị trí chiến lược để nâng cao độ nhận diện thương hiệu và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Đồng thời, việc nắm bắt xu hướng athleisure cũng là một hướng đi tiềm năng, khi người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chú trọng đến sự kết hợp giữa thời trang, tiện lợi và phong cách sống năng động”, bà Lau lưu ý.
Thấu hiểu hành vi của người tiêu dùng
Theo ông Ralf Matthaes, Giám đốc Điều hành IFM Research, người tiêu dùng bước vào năm 2025 với tâm lý thận trọng, thể hiện qua chỉ số niềm tin tiêu dùng duy trì ở mức 54%. Hơn nữa, 41% người tiêu dùng cho thấy khả năng tiết kiệm suy giảm.
Lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến hành vi mua sắm, chi tiêu chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như giáo dục, thực phẩm và y tế và giảm chi đối với danh mục không thiết yếu.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm với giá cả, ưu tiên săn khuyến mãi và tìm kiếm những lựa chọn mua sắm tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, vẫn có một nhóm khách hàng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm cao cấp, đặc biệt trong các lĩnh vực như mỹ phẩm, thời trang và điện tử cá nhân.
Những thay đổi này đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp bán lẻ trong việc duy trì sức mua và điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Chuyên gia phân tích rằng, các thương hiệu cần cân bằng giữa tối ưu giá cả, nâng cao trải nghiệm khách hàng và khai thác phân khúc tiêu dùng cao cấp.
Đồng thời, sự chuyển dịch mạnh mẽ sang kênh thương mại điện tử tiếp tục định hình thói quen mua sắm, đặc biệt ở nhóm khách hàng trẻ với các mặt hàng thiết yếu.
“Để thích ứng, doanh nghiệp bán lẻ cần đầu tư vào nền tảng số, tối ưu hành trình khách hàng và xây dựng lòng trung thành thông qua trải nghiệm mua sắm liền mạch”, ông Ralf Matthaes nhận định.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang gặp thách thức về nguồn nhân lực. Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Thương hiệu Manpower, ManpowerGroup Việt Nam, phân tích trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ lệ nghỉ việc hiện ở mức 25%, tạo áp lực lớn đối với doanh nghiệp. Các kỹ năng mềm quan trọng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm bao gồm khả năng thích nghi, tư duy giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và sáng tạo. Bên cạnh đó, yêu cầu về các kỹ năng quản lý trải nghiệm khách hàng, kỹ thuật số, và phân tích dữ liệu cũng đang gia tăng.
Theo khảo sát của ManpowerGroup, hơn 76% nhà tuyển dụng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự có kỹ năng.
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp đang áp dụng nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, bao gồm đẩy mạnh đào tạo nội bộ, tăng lương, mở rộng các chính sách linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc, và tăng cường thuê ngoài lao động.