Bất động sản bán lẻ Việt Nam bứt phá sau đại dịch

Thị trường bán lẻ Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ với sự đa dạng hóa trong các kênh bán hàng, và các yếu tố như công nghệ, xu hướng tiêu dùng... Dù vậy, các trung tâm thương mại luôn giữ tỷ lệ lấp đầy cao, năng động, tươi mới bằng các hoạt động cải tạo, đổi mới liên tục.

Sự phát triển của ngành bán lẻ tại Việt Nam nói chung và bất động sản cho thuê thương mại nói riêng đã và đang được trợ lực bởi hàng loạt các yếu tố nền tảng tích cực, như: dân số đông, tỷ lệ người trẻ cao, tầng lớp trung lưu và nhóm khách hàng trẻ cận giàu mở rộng, thương mại điện tử phát triển, lượng khách du lịch gia tăng và làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các thương hiệu quốc tế.

4456-1655973743539883883308-1742547097.jpg
 

Nhiều thương hiệu bán lẻ quốc tế có mặt tại Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391,0 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0% so với năm trước.

Dự báo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ trong năm 2025 có thể đạt 350 tỷ USD, đóng góp 59% tổng ngân sách nhà nước.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá tăng trưởng tích cực dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cũng như phát triển thị trường trong nước.

Ông Matthew Powell, Giám đốc, Savills Hà Nội, cho rằng so với Thái Lan, Indonesia hay Singapore, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng đã có sự bứt phá đáng kể sau đại dịch.

Trước đây, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng mua sắm tại nước ngoài, đặc biệt là Bangkok, do sự hiện diện của nhiều thương hiệu quốc tế. Khi nhu cầu tiêu dùng nội địa gia tăng, nhiều thương hiệu quốc tế đã nhận thấy tiềm năng mở rộng tại Việt Nam.

Đồng thời, với dân số trẻ và sức tiêu dùng lớn, Việt Nam đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn với các tập đoàn bán lẻ lớn. Trong giai đoạn 2025 – 2030, thị trường kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia hàng đầu khu vực.

Về nguồn cung mặt bằng bán lẻ, số liệu của Savills cho thấy trong quý 4/2024 tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM sẽ tiếp tục duy trì ổn định.

Tại TP. HCM, tổng nguồn cung tăng 1% theo quý, và 6% theo năm. Tổng nguồn cung bán lẻ tại Hà Nội duy trì ổn định theo quý và tăng 2% theo năm. Trong đó, trung tâm mua sắm tiếp tục chiếm lĩnh nguồn cung với 63% tỷ trọng. Thị trường chứng kiến sự xuất hiện, mở rộng của trung tâm thương mại thế hệ mới, tích hợp đa dạng tiện ích nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Thách thức pháp lý

Ông Trần Mạnh Hùng, Luật sư Điều hành, công ty BMVN International LLC, cho rằng lĩnh vực bán lẻ đang ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm các cam kết quốc tế, xu hướng địa điểm kinh doanh và việc tái cấu trúc chính phủ.

Dù theo lộ trình Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), yêu cầu về Quy trình kiểm tra nhu cầu kinh tế (Economic Need Test – ENT) lẽ ra được miễn trừ từ ngày 15/01/2024, nhưng việc bãi bỏ vẫn tiếp tục bị trì hoãn. Điều này có thể tạo ra những thách thức nhất định cho doanh nghiệp trong hoạt động mở rộng kinh doanh.

Chuyên gia cũng phân tích các thách thức pháp lý liên quan đến địa điểm bán lẻ, từ quyền sở hữu đến sự phức tạp trong cấp phép xây dựng và chứng nhận an toàn cháy nổ.

Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc của Chính phủ, bao gồm việc sáp nhập Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như điều chỉnh cơ cấu lực lượng quản lý thị trường, dự kiến sẽ mang lại những tác động tích cực đến quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ.

Mặt khác, chương trình thí điểm phân cấp cấp phép bán lẻ tại TP.HCM được xem là một bước đột phá, mở ra cơ hội thúc đẩy tăng trưởng và đơn giản hóa thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp bán lẻ trên toàn quốc.

Tuy nhiên, thị trường bán lẻ phía Nam có sự phát triển mạnh mẽ với sự đa dạng hóa trong các kênh bán hàng, và các yếu tố như công nghệ, xu hướng tiêu dùng...

Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại, Savills TP.HCM, đối mặt với thực tế thiếu hụt nguồn cung mới, các trung tâm thương mại luôn giữ tỷ lệ lấp đầy cao, tuy nhiên, luôn cần giữ sự năng động tươi mới bằng các hoạt động cải tạo, đổi mới liên tục để duy trì tính cạnh tranh gắt gao giữa các loại hình bán lẻ. Điều này tạo nên động lực đáng kể tới các trung tâm thương mại lớn đồng thời đem lại những mô hình kinh doanh, dịch vụ hấp dẫn tới người tiêu dùng.

Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, Hà Nội tiếp tục khẳng định sức hút của mình trên bản đồ bán lẻ với sự ra mắt của hàng loạt trung tâm thương mại mới.

Sau thành công của Lotte Mall Westlake từ năm 2023, năm 2025 sẽ chào đón Hanoi Centre – dự án được Keppel thuê toàn bộ khu trung tâm thương mại để quản lý, vận hành và khai thác, hứa hẹn mang lại hiệu quả tương tự. Cùng với đó, năm 2026, thị trường sẽ sôi động hơn với sự xuất hiện của Thiso Mall và Toshin tại Starlake.

Sự đầu tư bài bản từ các tập đoàn lớn như Aeon, Lotte, Keppel không chỉ thu hút thêm nhiều thương hiệu quốc tế mà còn thúc đẩy tiêu dùng, góp phần tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường bán lẻ Hà Nội giai đoạn 2025-2026.