Chính sách thuế của ông Trump khiến ngành gạo Thái Lan thêm lao đao

Nông dân Thái Lan đã phải chịu sức ép khi giá gạo trong nước giảm 30% sau khi Ấn Độ nối lại xuất khẩu từ tháng 9 nay chịu thêm sức ép từ chính sách thuế quan từ Mỹ.
fmikwwzs6suibeeeo1bn-20250423111903572-avatar-15x10-20250423112012107-1745392909.jpeg
 

Nữ nông dân Thái Lan Daeng Donsingha đã lo lắng cho gia đình 9 người của mình khi giá gạo – mặt hàng xuất khẩu  chủ lực của quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai thế giới – lao dốc trong năm nay, sau khi Ấn Độ nối lại hoạt động xuất khẩu, theo Reuters.

Giờ đây, bà lại càng lo lắng hơn về các mức thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa áp dụng. Điều này có thể làm giảm nhu cầu đối với gạo Thái tại thị trường nước ngoài giá trị nhất của nước này, gây xáo trộn trong một ngành công nghiệp xuất khẩu trị giá hàng tỷ USD.

“Vấn đề là giá gạo đang quá thấp, trong khi các chi phí khác như phân bón và tiền thuê đất canh tác lại cao,” người phụ nữ 70 tuổi nói sau khi bán vụ mùa của mình tại một nhà máy xay xát ở miền Trung Thái Lan. “Tôi đang bị lỗ.”

Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các biện pháp thuế quan đề xuất của ông Trump, với mức thuế dự kiến lên tới 36% nếu các cuộc đàm phán đang diễn ra không đạt được kết quả trước khi lệnh tạm hoãn thuế của ông Trump kết thúc vào tháng 7.

“Nếu Mỹ thực sự áp thuế, gạo thơm jasmine của Thái Lan sẽ trở nên quá đắt để cạnh tranh,” ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan nhận định.

Năm ngoái, Thái Lan xuất khẩu 849.000 tấn gạo sang Mỹ, chủ yếu là gạo thơm jasmine – loại đắt nhất – với tổng giá trị lên tới 28,03 tỷ baht (735 triệu USD), theo số liệu từ Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan.
Tổng cộng trong năm 2024, Thái Lan xuất khẩu 9,94 triệu tấn gạo, trị giá 225,65 tỷ baht (6,82 tỷ USD), trong đó Mỹ là thị trường lớn thứ ba về khối lượng nhưng đứng đầu về giá trị.

Theo ông Chookiat, nếu Mỹ áp thuế, xuất khẩu sẽ chững lại và tạo lợi thế cho các đối thủ trong khu vực như Việt Nam, nơi giá gạo thấp hơn nhiều.
“Từ mức giá 1.000 USD/tấn, giá gạo jasmine Thái có thể tăng lên 1.400 – 1.500 USD/tấn,” ông nói. “Khi đó, các nhà nhập khẩu  sẽ chuyển sang gạo jasmine Việt Nam, chỉ có giá 580 USD/tấn.”

Gạo Việt Nam rẻ hơn do chi phí sản xuất thấp, nông dân trồng các giống khác nhau và có thể thu hoạch nhiều vụ mỗi năm.

Nông dân Thái Lan đã phải chịu sức ép khi giá gạo trong nước giảm 30% sau khi Ấn Độ nối lại xuất khẩu từ tháng 9. Trước đó, Ấn Độ chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu năm 2022 trước khi áp lệnh cấm.

Các nhà phân tích cho rằng Thái Lan không còn dư địa để giảm giá cạnh tranh.
“Chi phí sản xuất của chúng ta cao, năng suất lại thấp,” ông Somporn Isvilanonda, chuyên gia kinh tế nông nghiệp độc lập, nhận định. “Nếu chúng ta bán phá giá, nông dân sẽ không sống nổi.”

Ngành gạo và người nông dân đang đặt hy vọng vào đoàn đàm phán Thái Lan do Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira dẫn đầu, làm việc với Mỹ.

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo đã bắt đầu sụt giảm. Tổng xuất khẩu đã giảm 30% trong quý I khi các nước trì hoãn quyết định mua và nguồn cung tăng mạnh sau khi Ấn Độ quay trở lại thị trường, theo Hiệp hội Xuất khẩu Gạo, đơn vị cũng dự báo mức sụt giảm tương tự trong ba tháng tới.

Những nhượng bộ Thái Lan đang đề xuất để đổi lại việc Mỹ không áp thuế, bao gồm việc hạ thuế nhập khẩu ngô Mỹ từ 73% xuống 0%, cũng có thể gây thiệt hại cho nông dân Thái, theo nhận định từ các hiệp hội ngành.

Một làn sóng ngô nhập khẩu giá rẻ có thể đẩy giá các sản phẩm phụ từ quá trình xay xát như gạo tấm và cám gạo xuống thấp hơn nữai, ông Banjong Tangchitwattanakul, Chủ tịch Hiệp hội Xay xát Gạo Thái Lan cho biết. Đây đều là những sản phẩm được dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Ngày 8/4, bốn hiệp hội nông nghiệp, bao gồm cả xay xát gạo, đã gửi thư kiến nghị chính phủ ngăn nhập khẩu ngô và khô đậu tương từ Mỹ, vì cho rằng chúng sẽ gây áp lực giá lên các cây trồng trong nước dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Chính phủ Thái Lan cam kết rằng bất kỳ nhượng bộ nào trong đàm phán với Mỹ cũng sẽ không gây tổn hại đến ngành công nghiệp trong nước.

Nhưng với những người nông dân như bà Daeng, những quyết định được đưa ra từ phía bên kia bán cầu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế.

H.Mĩ