Giá gạo xuất khẩu tăng, doanh nghiệp chưa vội chốt đơn hàng

Vụ Đông Xuân gần kết thúc, lượng lúa trong dân không còn nhiều, giá gạo xuất khẩu tăng trở lại, dù vậy, doanh nghiệp chưa vội chốt đơn.

Doanh nghiệp tiếp tục chờ giá cao hơn

Sau thời gian dài giảm sâu, giá gạo xuất khẩu đã tăng trở lại và lên ngưỡng gần 400 USD/tấn đối với gạo 5% tấm (giá FOB). Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã vượt các nước trong khu vực và trên thế giới.

Kết thúc quý I/2025, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,2 triệu tấn và 1,14 tỷ USD
Kết thúc quý I/2025, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,2 triệu tấn và 1,14 tỷ USD

Cập nhật số liệu mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 399 USD/tấn. Trong khi đó, tại Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan lần lượt ghi nhận mức giá 396 USD/tấn, 380 USD/tấn và 389 USD/tấn.

Với giá gạo xuất khẩu 25% tấm của Việt Nam đang đứng ở mức 370 USD/tấn, thấp hơn giá gạo xuất khẩu của Thái Lan 5 USD/tấn nhưng cao hơn giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ, Pakistan lần lượt 4 USD/tấn và 11 USD/tấn.

Sự tăng trở lại của giá gạo xuất khẩu Việt Nam được cho là thời điểm trước đó, giá gạo xuất khẩu đã chạm đáy. Bên cạnh đó, vụ lúa lớn nhất trong năm - vụ Đông Xuân đã dần kết thúc, lượng lúa trong dân không còn nhiều, nên áp lực tiêu thụ không lớn như trước. Trong khi đó, vụ Hè Thu phải đợi đến tháng 7, tháng 8 mới có lúa trở lại. Trong khoảng thời trống thời gian này, người mua vẫn rất cần và giá sẽ tốt hơn.

Bên cạnh đó, nhiều nhà nhập khẩu sau thời gian điều chỉnh và chờ động thái về giá từ các nước xuất khẩu lớn như Việt Nam, Ấn Độ hay Thái Lan thì nay đang quay trở lại thị trường, tăng đàm phán trở lại, đẩy giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu tăng.

Tại thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp đã trữ gạo tương đối lớn để đàm phán giá với đối tác. Tín hiệu tốt từ thị trường và chất lượng gạo vụ Đông Xuân là tốt nhất trong năm nên các doanh nghiệp xuất khẩu cũng không vội chốt đơn.

Đại diện doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo sang 2 thị trường chính là Philippines và Trung Quốc với kim ngạch khoảng 120 nghìn tấn, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) - cho hay, hiện nhiều thương nhân nước ngoài đã liên hệ đàm phán giá hợp đồng nhưng doanh nghiệp vẫn chưa có ý định bán ra bởi tín hiệu thị trường đang tốt dần lên.

“Thời điểm đầu năm, giá lúa tương đối cao. Sau đó, giá lúa xuống sâu, doanh nghiệp tập trung mua vào để bình quân được mặt bằng giá. Thời điểm này, mức giá xuất khẩu gạo đã đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, nhưng mức giá vẫn chưa được tốt lắm. Doanh nghiệp kỳ vọng, giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng”, ông Nguyễn Văn Thành nói.

Cạnh tranh bằng chất, giữ vững thị trường

Kết thúc quý I/2025, xuất khẩu gạo đạt 2,2 triệu tấn và 1,14 tỷ USD, tăng 0,6% về khối lượng nhưng giảm 19,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân do giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 522,1 USD/tấn, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,1%. Bờ Biển Ngà và Gana là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 16,3% và 10,2%.

So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Philippines giảm 15,7%, trong khi thị trường Bờ Biển Ngà tăng 10 lần, thị trường Gana tăng 3,3 lần. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Bangladesh với mức tăng 247,6 lần và giảm mạnh nhất ở thị trường Indonesia với mức giảm 96,8%.

Theo các chuyên gia, chính việc đa dạng hóa thị trường cùng việc chuyển dịch cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo hướng tăng tỉ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản và các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao đã giúp gạo Việt Nam đứng vững trước bối cảnh thị trường đầy biến động.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết, nhờ sự khác biệt về chất lượng nên gạo Việt Nam đang dần chiếm lĩnh các thị trường truyền thống và cả những thị trường mới. Do đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo để tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới; xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả, từ sản xuất đến tiêu thụ là hướng đi cần thiết của ngành lúa gạo.

Hiện, gạo xuất khẩu của Việt Nam có 3 loại, gạo thường, gạo thơm, gạo cao cấp. Trong đó, gạo thơm chiếm 60%, gạo cao cấp chiếm 15%. Gạo thơm của Việt Nam được sự tin dùng của khách hàng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có lợi thế về sản lượng đối với loại gạo thơm so với các quốc gia xuất khẩu gạo khác. Đây cũng được cho là lợi thế, giúp gạo Việt chiếm giữ được thị phần và giá cả.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA): Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại nhưng doanh nghiệp vẫn không chốt bán vì kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng.

 

Nguyễn Hạnh