Hội Môi giới: Nguồn cung nhà ở mới chủ yếu phục vụ người giàu

Với giá bán ngày càng đắt, nguồn cung dự án nhà ở mới chủ yếu phục vụ nhóm người có tài chính cao và nhà đầu tư, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam.

Trong báo cáo thị trường quý I, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết cơ cấu nguồn cung nhà ở vẫn trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng.

Toàn thị trường có khoảng 14.500 sản phẩm chào bán mới, giảm một nửa so với cuối năm ngoái. Trong đó, 58% tỷ trọng thuộc về phân khúc cao cấp, hạng sang, tăng 11% theo năm. Nguồn cung chủ yếu đến từ các đại đô thị ở vùng ven Hà Nội, TP HCM và các tỉnh lân cận.

Tỷ trọng phân khúc bình dân (gồm cả nhà xã hội) dù được cải thiện, chiếm gần 13% với gần 2.000 sản phẩm nhưng vẫn "rất ít ỏi so với nhu cầu, ước tính hàng triệu sản phẩm".

Tại Hà Nội, giá bán chung cư sơ cấp đạt trung bình 70,2 triệu đồng mỗi m2, tăng nhẹ so với cuối năm ngoái nhưng leo thang hơn 77% so với quý I/2019. Đà tăng giá chủ yếu đến từ giỏ hàng mới ra mắt ngày càng đắt đỏ. Trong khi đó, một số dự án có giá bán chuyển nhượng đi ngang sau giai đoạn tăng nóng.

Tại TP HCM, mặt bằng giá chung cư vào khoảng 71,8 triệu đồng mỗi m2, tăng 35% sau 5 năm. Tương tự, phân khúc này ở Đà Nẵng cũng ngày càng leo thang 58% so với đầu năm 2019, đạt trung bình 62 triệu đồng mỗi m2. Trong giai đoạn 2019-2025, VARS đánh giá đà tăng giá chung cư Đà Nẵng cao hơn 1,6 lần so với TP HCM.

"Nguồn cung dự án mới chủ yếu phục vụ nhóm người có tài chính cao và nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro cho sự phát triển bền vững của thị trường", Hội Môi giới đánh giá.

Bất động sản trung tâm Hà Nội, tháng 10/2024. Ảnh: Giang Huy

Bất động sản trung tâm Hà Nội, tháng 10/2024. Ảnh: Giang Huy

Diễn biến trên cũng được đơn vị nghiên cứu Cushman & Wakefield ghi nhận. Hãng cho biết phân khúc cao cấp và hạng sang chiếm hơn 77% nguồn cung chung cư mới ở Hà Nội, còn phân khúc căn hộ giá rẻ rất hạn chế. Giá sơ cấp trung bình trong quý I đạt 3.221 USD (hơn 83 triệu đồng) một m2, tăng 10% theo quý. Tuy nhiên, hãng này ghi nhận lực cầu với phân khúc chung cư có dấu hiệu sụt giảm. Thị trường có hơn 4.300 căn hộ được bán ra, giảm 53% theo quý.

Tại TP HCM, theo ghi nhận, phân khúc nhà ở tầm trung ngày càng khan hiếm, người có nhu cầu mua nhà để ở muốn tìm kiếm sản phẩm giá "mềm" rất khó. Trong rổ hàng căn hộ mở bán quý I và sắp chào bán quý II, số căn có giá quanh mức 40-60 triệu mỗi m2 chiếm chưa đến 15% nguồn cung.

Hội Môi giới nhìn nhận giá nhà ở liên tục tăng cao, vượt xa tốc độ tăng thu nhập khiến nhiều người trẻ phải chuyển hướng thuê thay vì mua nhà. Bởi để mua một căn chung cư ở đô thị lớn, người mua cần có thu nhập tối thiểu 45 triệu đồng đến 210 triệu đồng một tháng, tuỳ theo khu vực.

Trong bối cảnh chung cư hai phòng ngủ dưới 3 tỷ đồng dần biến mất, ngay cả khi tích lũy được 30% giá trị căn hộ, việc vay mua nhà với họ vẫn rất khó khăn. Lý do là lãi suất thả nổi khó dự đoán cùng khoản nợ kéo dài 15-25 năm tạo áp lực tài chính lớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Về dài hạn, các chuyên gia dự báo xu hướng thuê thay vì mua nhà sẽ tiếp tục lan rộng. VARS khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh mô hình "xây dựng để cho thuê". Chính sách pháp luật cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi người thuê, giới hạn mức tăng giá thuê mỗi năm nhằm khuyến khích hợp đồng thuê dài hạn. Các tổ chức tín dụng cũng cân nhắc phát triển gói tín dụng cho mô hình "rent to own", giúp người thuê có cơ hội sở hữu nhà sau một thời gian thuê.

Ngọc Diễm

 

screen-shot-2021-05-08-at-13314-pm-min-1744343169.png