Khai thác thị trường bán lẻ Việt 190 tỷ USD
Ngày 22/4/2025, tại TP.HCM, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị về “Các giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng".
Theo số liệu từ Cục Thống kê, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 190 tỷ USD, một thị trường rất tiềm năng.
Tuy nhiên, sức mua vẫn chưa đạt kỳ vọng, tâm lý tiêu dùng còn thận trọng trong bối cảnh giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng và nguy cơ lạm phát hiện hữu. Mặc dù, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ góp phần tăng tiêu dùng trong nước, như: giảm thuế VAT, điều chỉnh lương tối thiểu, thúc đẩy đầu tư công…
Trong bối cảnh một số quốc gia lớn đang áp dụng chính sách bảo hộ, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương, cho rằng thị trường trong nước là "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp, trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều thách thức.

Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng khi hàng xuất khẩu của Việt Nam bị áp thuế, doanh nghiệp buộc phải quay về thị trường nội địa, nghĩa là bán những mặt hàng không xuất khẩu được cho người tiêu dùng trong nước, ông Phan Văn Chinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương, cho hay.
Việt Nam với thị trường 100 triệu dân đầy tiềm năng có thể trở thành đích ngắm. Khi đó, hàng hóa Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu bằng lợi thế nào. Như vậy, phải chuyển đổi sản xuất, để có sản phẩm mới phù hợp với thị trường trong nước.
Theo ông Chinh, thị trường có 03 trụ cột quan trọng: sản xuất - phân phối - tiêu dùng. Cần phát triển hệ sinh thái phân phối từ chợ truyền thống đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trong đó, nền tảng số là yếu tố thiết yếu để mở rộng tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng.
“Với sức mua và dung lượng thị trường hiện tại, cùng nhu cầu của người tiêu dùng, cần có cơ chế, chính sách gì? Có cần thiết ban hành Luật về phân phối, Luật về chợ hay không? Đặc biệt, khi không gian kinh tế được mở rộng qua việc sáp nhập địa giới hành chính, vai trò của chợ và hệ thống phân phối sẽ thay đổi ra sao?”, ông Chinh nói.
Ông Paul Le, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail, gợi ý các nhà sản xuất tăng phát triển thêm sản phẩm mới để mở rộng đầu ra. Nhưng sức tiêu thụ phụ thuộc vào tâm lý, nhu cầu và năng lực chi tiêu của người dân. Do đó, giảm giá cần đi kèm các giải pháp căn cơ hơn.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cũng cho rằng cần tác động từ chính sách lương, thu nhập đủ sống. Vì hiện nay niềm tin tiêu dùng đang giảm.
Doanh nghiệp tư nhân cần gỡ khó
Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, do hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng bộ, còn nhiều điểm nghẽn, trong khi thủ tục hành chính còn phức tạp, thiếu nhất quán.
Các lãnh đạo Cục và đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành đều nhận thấy thời gian qua, hoạt động xúc tiến xuất khẩu được đầu tư mạnh mẽ, tuy nhiên xúc tiến tiêu dùng nội địa chưa được chú trọng. Làm sao chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phải thực chất.
Do đó, các cơ quan đề xuất Bộ Tài chính quan tâm, cân nhắc và ưu tiên ngân sách để hỗ trợ người tiêu dùng, kích cầu mua sắm, cũng như hỗ trợ các chương trình xúc tiến cụ thể của Bộ Công thương và Sở Công thương các địa phương.
Từ phía doanh nghiệp bán lẻ, bà Đoàn Thị Hương Thanh, Giám đốc Pháp chế WinCommerce, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ tiếp cận các quy hoạch thương mại, đồng thời có chính sách thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ, phát triển logistics tại vùng, địa phương.
Bà Hương Thanh kỳ vọng có các điều kiện ưu đãi đặc biệt về thuế và vốn vay, miễn giảm phí, ưu tiên các doanh nghiệp trong nước phát triển mô hình bán lẻ hiện đại ở các khu vực khó khăn ven đô thị, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Theo ông Hà Phước Lộc, Phó tổng giám đốc, CTCP Cao su Đà Nẵng, lâu nay Nhà nước mải ưu đãi các doanh nghiệp FDI mà “bỏ quên” doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Theo đó, ông Lộc cho rằng, đối với những sản phẩm trong nước thì ưu tiên cho những doanh nghiệp trong nước đấu thầu mạng… Vì nếu đấu thầu rộng rãi, các doanh nghiệp FDI có tiềm lực hơn hẳn Việt Nam để cạnh tranh về giá.
Để chinh phục thị trường nội địa, từng ngành cần phải có giải pháp cụ thể, trong đó ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn, với lãi suất cho vay đang là 8-10%/năm, doanh nghiệp khó mở rộng đầu tư với tình hình hiện nay.
Chia sẻ về thực tế doanh nghiệp rất khó vay vốn ngân hàng nếu không có sổ đỏ, đại diện Công ty TNHH Sản xuất thương mại Trần Khang Phong (Bình Thuận) cho biết chỉ cần có đất là ngân hàng cho vay. Trong khi, để sản xuất thì doanh nghiệp đã đầu tư tiền vào máy móc hết rồi, nhưng thế chấp máy móc để vay vốn thì ngân hàng không cho vay.
Theo đó, để phát triển thị trường trong nước thì doanh nghiệp nội địa phải tồn tại được, từ đó mới đóng góp lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua thuế, tạo việc làm, thu nhập, tiêu dùng…
Đề xuất giải pháp
Tại hội nghị, nhiều giải pháp đã được đại diện các bộ, ngành, chuyên gia chỉ ra và giao trách nhiệm.
Trong đó, nhấn mạnh việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế nhập khẩu để bình ổn giá, hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn nộp thuế và giảm tiền thuê đất được đánh giá là những biện pháp cấp thiết.
Đồng thời, cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho thuế thu nhập cá nhân, giúp tăng thu nhập khả dụng và thúc đẩy tiêu dùng.
Ái Linh