Nhà bán lẻ số 1 nước Mỹ quyết vượt 'bão thuế' để nhập hàng Trung Quốc

Bất chấp căng thẳng thương mại leo thang và loạt thuế quan mới từ chính quyền Trump, Walmart vẫn kiên quyết nhập hàng từ Trung Quốc, dấy lên kỳ vọng về khả năng hạ nhiệt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, "gã khổng lồ bán lẻ" Walmart vẫn yêu cầu các nhà cung cấp Trung Quốc duy trì giao hàng, theo nguồn tin độc quyền của South China Morning Post (SCMP).

Theo đó, Walmart cam kết sẽ gánh chi phí phát sinh từ các mức thuế quan mới để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn. Một số nhà sản xuất tại Giang Tô và Chiết Giang – những trung tâm xuất khẩu lớn chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến thương mại – đã nhận được yêu cầu tiếp tục giao hàng từ Walmart và các nhà bán lẻ lớn khác trong những ngày gần đây.

Tại thành phố Ninh Ba, một nhà xuất khẩu lớn chuyên cung cấp văn phòng phẩm cho biết đã nhận được thông báo từ Walmart vào 28/4, yêu cầu nối lại việc giao hàng bình thường đến Mỹ. Thông báo được đưa ra sau khi các đợt tăng thuế liên tiếp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến hoạt động vận chuyển bị đình trệ.

Theo doanh nghiệp này, chi phí thuế nhập khẩu mới sẽ do phía khách hàng Mỹ chi trả. "Đối tác lâu năm Walmart đã yêu cầu chúng tôi tăng lượng hàng vận chuyển sang Mỹ và khẳng định chúng tôi không phải gánh thêm chi phí từ mức thuế mới áp lên hàng hóa Trung Quốc", Phó Chủ tịch công ty cho biết với phóng viên báo SCMP.

Tại Giang Tô, ít nhất một nhà xuất khẩu khác cũng được yêu cầu chuẩn bị cho nhu cầu phục hồi. Ông Paul Tai, Giám đốc khu vực của Mainetti – doanh nghiệp thiết kế và xuất khẩu móc treo quần áo và sản phẩm đóng gói cho thị trường Mỹ và châu Âu – xác nhận rằng các nhà bán lẻ lớn đã khuyến khích các nhà cung cấp Trung Quốc tiếp tục nhận đơn hàng. Theo ông Tai, thông báo từ các khách hàng Mỹ bắt đầu được gửi đi từ ngày 23/4.

Nhà bán lẻ số 1 nước Mỹ quyết vượt 'bão thuế' để nhập hàng Trung Quốc - ảnh 1
Vào tháng 3/2025, Walmart được cho là đã yêu cầu các nhà cung cấp Trung Quốc giảm giá để bù đắp tác động thuế quan, tuy nhiên đã bị phía Trung Quốc từ chối (theo Wall Street Journal)

Ông Paul Tai cho biết, kể từ ngày 2/4 – thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố đợt áp thuế mới nhằm "đáp trả" Trung Quốc – nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã tạm dừng hoặc hủy đơn hàng từ Trung Quốc. Ông nói thêm, các đơn hàng trong tháng 4 đã giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, nên việc đơn hàng phục hồi hiện tại là "tin rất đáng mừng".

Theo ông Tai, các nhà cung cấp Trung Quốc đã thay đổi cách thức giao hàng để thích ứng với môi trường thuế quan bất ổn. "Do mức thuế khó dự đoán, nhiều nhà cung cấp đã chuyển sang báo giá FOB (giao hàng miễn phí lên tàu) thay vì DDP (giao hàng đã bao gồm thuế)", ông giải thích. "Điều này cho phép các nhà nhập khẩu Mỹ tự xử lý thuế nhập khẩu tại nước mình thông qua các đại lý thông quan địa phương, những người nắm rõ các quy định thay đổi liên tục."

Trong năm nay, ông Trump đã áp thêm 145% thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đưa tổng mức thuế lên khoảng 156%. Một số mặt hàng Trung Quốc hiện phải đối mặt với mức thuế lên tới 245%, theo một tài liệu thông tin do Nhà Trắng công bố.

Đáp trả động thái này, Bắc Kinh đã áp thuế 125% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, ngoài các mức thuế đã có trước đó.

Tuy nhiên, trong tuần qua, Tổng thống Trump cho thấy dấu hiệu sẵn sàng đàm phán nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại. Tại một cuộc họp báo ở Phòng Bầu dục, ông tuyên bố mức thuế 145% có thể sẽ được "giảm đáng kể". Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time, ông cũng tiết lộ đã trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề này.

Phía Trung Quốc, trong khi tuyên bố sẵn sàng đàm phán trên cơ sở bình đẳng, Bộ Ngoại giao nước này đã phủ nhận việc diễn ra cuộc gọi giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Trump.

Dù cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo có thực sự diễn ra hay không, một giáo sư nghiên cứu quốc tế tại một trường đại học ở Thượng Hải, giấu tên, nhận định rằng các kênh liên lạc bí mật giữa Trung Quốc và Mỹ nhiều khả năng vẫn đang được duy trì để trao đổi ở cấp độ làm việc. "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu hai nước không sử dụng các kênh riêng để thảo luận," vị học giả cho biết.

Ông Xu Weijun, nhà nghiên cứu chính sách công tại Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc (Quảng Châu), cho rằng quyết định tiếp tục giao hàng của Walmart phản ánh áp lực mà Tổng thống Trump đang phải đối mặt từ các tập đoàn Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang.

"Những động thái trả đũa mạnh mẽ hơn dự kiến từ Trung Quốc có thể làm đảo lộn chiến lược của Trump và gây thiệt hại cho các công ty đa quốc gia của Mỹ", chuyên gia Xu nhận định. "Giới doanh nghiệp có thể sẽ tìm cách gây sức ép để truyền đạt lập trường của họ tới ông Trump, thậm chí buộc ông phải điều chỉnh chính sách."

Vị giáo sư Thượng Hải cũng nhận xét rằng việc Walmart yêu cầu các nhà cung cấp Trung Quốc tiếp tục giao hàng mà không yêu cầu họ gánh thêm chi phí thuế quan cho thấy khả năng có thỏa thuận hoặc ít nhất một quyết định hoãn thuế trong tương lai gần.

Tuy nhiên, chuyên gia Xu cảnh báo rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc nên chuẩn bị các phương án dự phòng để đối phó với những biến động chính sách bất ngờ từ phía Mỹ. "Tổng thống Trump sẽ chỉ dỡ bỏ thuế quan dần dần. Ngay cả khi hai nước quay lại bàn đàm phán, quá trình đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo cũ sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và các vòng thương lượng phức tạp”.

Vũ Bấc - Tham khảo South China Morning Post (SCMP)