Ninh Thuận: Quyết liệt gỡ khó trong đầu tư, không để doanh nghiệp đi nơi khác

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết tỉnh sẽ quyết liệt giải quyết các vướng mắc trong đầu tư, nhằm khôi phục nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của địa phương…
f23eb0b76c01dc5f8510-1743828982.jpg
 

Tăng trưởng kinh tế địa phương đạt 8,5% trong quý đầu năm

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, trong quý 1/2025, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 6.303 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ.

Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.880 tỷ đồng, bằng 34,2% kế hoạch, tăng 43,2% so cùng kỳ. Giải quyết việc làm mới cho 5.443 lao động, tăng gần 18% so cùng kỳ.

Một số sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo đang phục hồi, năng lực sản xuất mới phát huy hiệu quả. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh; các dự án trọng điểm, động lực được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ…

Có 116 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn 512,7 tỷ đồng, tăng 18,4% số doanh nghiệp (116/98 doanh nghiệp) và số vốn đăng ký giảm 34,9% so cùng kỳ.

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 5,8% (145/137 doanh nghiệp) và doanh nghiệp giải thể tăng 43,5% (33/23 doanh nghiệp) so cùng kỳ.  Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến ngày 30/3/2025, có 4.734 doanh nghiệp/96.520 tỷ đồng.

Tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư 23 dự án/241,7 tỷ đồng.

Phát triển mạnh kinh tế đặc thù địa phương

Nhằm tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn, chiều ngày 01/4/2025, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức hội nghị “Gặp mặt doanh nghiệp quý 1/2025”.

Tại hội nghị, một trong những doanh nghiệp được địa phương rất quan tâm, đó là doanh nghiệp đã thành công trong mô hình nhân giống và nuôi mực thương phẩm trong môi trường bán tự nhiên đầu tiên ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần Mực nhảy Biển Đông, cho biết nếu không chọn Ninh Thuận làm dự án thì đã phải bỏ cuộc, bởi ngành nuôi biển rất khó khăn, đặc biệt là mô hình nuôi mực bán tự nhiên đầu tiên chưa ai làm. Công ty cũng vấp phải sự thay đổi về luật của ngành nuôi biển ngay từ ngày đầu thành lập.

Nhờ có sự hỗ trợ hết sức từ lãnh đạo địa phương nên công ty phát triển được như hiện nay.

z6472846638572-1aba94dfb941d7b1a126ade110565e5b-1743828353.jpg
Ông Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần Mực nhảy Biển Đông.

“Tôi may mắn được sự giúp đỡ của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận về thủ tục, giấy tờ, cũng như được hưởng các chính sách linh hoạt của tỉnh cho nghề nuôi biển”, ông Ngọc chia sẻ.

Ông Ngọc cho biết thêm, cũng giống như nông sản, ngành nuôi biển cũng trong tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, và còn gặp vô vàn khó khăn. Chẳng hạn, trước đây, hầu hết các doanh nghiệp được miễn tiền thuê mặt nước để nuôi trồng thủy hải sản, thì nay, giá thuê mặt nước là 7,5 triệu đồng/ha, đây là mức giá quá cao.

“Đầu tư phát triển ngành thủy hải sản, nhân giống mực cần vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Doanh nghiệp đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng, do đó, công ty mong muốn được giao đất ổn định để yên tâm phát triển lâu dài. Công ty cũng mong có thể được giảm giá thuê đất, mặt nước”, ông Ngọc nói.

Về đề nghị của doanh nghiệp, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho rằng ngành nuôi thủy hải sản mang lại rất nhiều lợi ích cho đất nước, địa phương khi sản lượng hải sản đang bị tận diệt. Khó khăn nhất là giá thuê mặt nước của doanh nghiệp.

z6472846609444-1936fa37cd53e7d170db9334f669a418-1743828519.jpg
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.

Theo ông Nam, địa phương sẽ tìm hiểu Khánh Hòa, Phú Yên về giá thuê đất, mặt nước để có mức giá hợp lý cho doanh nghiệp. Tỉnh không thu tiền bằng mọi giá, vì cũng không được bao nhiêu so với lợi ích phát triển kinh tế. Đây là doanh nghiệp rất đặc biệt, rất dũng cảm khi là đơn vị đầu tiên trên cả nước và thế giới đã nhân giống mực thành công – kỳ vọng trở thành vua mực của Việt Nam và thế giới.

“Chúng ta đang kêu gọi các nhà đầu tư đến thì ta phải đưa ra các chính sách phù hợp không họ đi nơi khác. Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận cũng đã có được quy hoạch cho ngành nuôi biển”, ông Nam nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Tân Sơn Hoa Cương cũng nêu vướng mắc về hải quan.

Bà Từ Thị Thanh Trúc, Giám đốc công ty này cho biết trong dịch Covid-19 công ty không có đơn hàng, mới xuất khẩu trở lại gần đây. Nhưng ngày 26/3/2025, công ty nhận được công văn của Chi cục Hải quan 13 (ký ngày 21/3/2025) yêu cầu nộp báo cáo tài chính, chứng từ hàng hóa giai đoạn 2019-2024, và gửi lại cho hải quan vào 31/3/2025.

truc20250403230445-1743828586.jpg

Bà Từ Thị Thanh Trúc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Tân Sơn Hoa Cương

“Sau dịch, chúng tôi mở thị trường đã vất vả rồi, giờ lại bị yêu cầu cung cấp hồ sơ 05 năm trước, thời gian thì gấp, giấy tờ tìm lại khó khăn. Lãnh đạo địa phương có tiếng nói giúp doanh nghiệp về việc này”, bà Trúc đề nghị.

Giải thích cho doanh nghiệp, đại diện Chi cục hải quan khu vực 13, cho biết việc phân luồng thông quan sẽ phân 03 luồng: Xanh, đỏ, vàng. Đối với hàng hóa của mình thì doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm. Hải quan không kiểm tra. Do đó, việc kiểm tra sau thông quan sẽ thực hiện trong giai đoạn 05 năm của doanh nghiệp. Đây là việc  làm thường xuyên của hải quan để đánh giá việc chấp hành của doanh nghiệp.

“Theo văn bản của Chi cục 13, ngày ký 21/3, chị Trúc nhận 26/3, phải gửi về hải quan là 31/3. Như vậy, công ty chỉ phải cung cấp những chứng từ, không phải báo cáo tài chính, không phải tờ khai xuất nhập khẩu”, đại diện Hải quan nói.

Giải thích thêm, đại diện Hải quan tại Ninh Thuận cho biết việc kiểm tra 05 năm thì chỉ thực hiện đối với một số  doanh nghiệp, không phải tất cả. Kiểm tra không có nghĩa cơ quan quản lý làm khó doanh nghiệp, không phải kiểm tra để phát hiện vi phạm, mà nếu thấy doanh nghiệp có sai sót thì sẽ hướng dẫn lại…

hai-quan20250403230353-1743828671.jpg
Đại diện Hải quan tại Ninh Thuận cho biết việc kiểm tra 05 năm thì chỉ thực hiện đối với một số  doanh nghiệp, không phải tất cả.

“Chúng tôi cũng nhận thấy doanh nghiệp cho rằng kiểm tra sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu doanh nghiệp thấy thời gian báo cáo gấp quá, có thể gửi văn bản phản hồi lại cho Chi cục Hải quan 13 đề nghị được kéo dài thêm thời gian” đại diện Hải quan hướng dẫn.

Về phía địa phương, ông Nam cho rằng ngành hải quan hoặc thuế khi kiểm tra nên có lộ trình, thời gian cho doanh nghiệp báo cáo dài hơn, chứ chỉ cho 5-7 ngày sẽ gây căng thẳng cho doanh nghiệp. Mong các cơ quan chức năng nên mời doanh nghiệp đến để họ có thể trao đổi, trình bày cụ thể hơn.

Hiện, Ninh Thuận có khu công nghiệp Phước Nam đang hoạt động, chủ đầu tư mong muốn được đấu nối chất thải trong khu công nghiệp, xử lý một số nhà máy gây ô nhiễm trong khu công nghiệp, như: đốt lốp cao su, phơi bã bia… gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác…

Về vấn đề này, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết sẽ cho kiểm tra các đơn vị gây ô nhiễm nếu không đạt yêu cầu thì cho dừng lại. Trước kia, chúng ta sai lầm thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Để giải quyết nhanh, chắc chắn cho doanh nghiệp về vướng mắc trong đầu tư tại tỉnh, ông Trần Quốc Nam cho rằng không còn nhiều thời gian để túc tắc, đủng đỉnh. Huyện nhập về xã, việc sẽ nhiều hơn.

Để giải quyết rốt ráo, tỉnh mong muốn nghe tận cùng vấn đề, để hiểu nguyên nhân bắt đầu từ đâu? Sai ở đâu? Nếu cứ từ từ thì thiệt hại vô cùng lớn cho cộng động.

Ông Nam cũng đề nghị các sở, ngành cần cố gắng dành thời gian phù hợp cho việc lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, để khẩn trương giải quyết dứt điểm nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.

Ái Linh

>>>>> Mức thuế 46% của Mỹ tác động ra sao đến tỷ giá?