Tại sao tỷ giá 'chạy' khác mọi năm?

Thông thường quý I sẽ là giai đoạn nguồn cung ngoại tệ dồi dào nhờ kiều hối và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ về từ cuối năm trước và nhu cầu đầu tư ngay đầu năm. Năm nay, vốn FDI và kiều hối cũng không khác biệt, nhưng tỷ giá USD vẫn "nổi sóng".

Kết thúc giao dịch tuần qua, giá USD trên thị trường tự do vượt xa mốc 26.000 đồng/USD, lên mức cao nhất từ trước đến nay. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đi lên. Trong sáng ngày 21/4, tỷ giá trung tâm tăng 8 đồng, lên 24.907 VND/USD. Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần là 26.152 VND/USD, tỷ giá sàn là 23.661 VND/USD.Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở mức 23.704-26.092 VND/USD (mua vào-bán ra).

Giá USD ngân hàng vượt 26.000 đồng

Ghi nhận tại các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do sáng ngày 21/4, giao dịch USD với giá mua vào phổ biến ở mức 26.285 đồng/USD và bán ra ở mức 26.385 đồng/USD. So với phiên liền trước, giá USD tự do tăng 165 đồng ở chiều mua vào và tăng thêm 155 đồng ở chiều bán ra. Đây là mức cao nhất của giá USD trên thị trường tự do từ trước đến nay.

Hiện, tỷ giá đã vượt mốc 26.000 đồng ở nhiều nhà băng. Vietcombank - ngân hàng thương mại có khối lượng giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống - niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.770.00 đồng/USD mua vào và bán ra 26.130 đồng/USD. BIDV tăng giá mua - bán USD lên mức 25.740-26.100 đồng/USD. VietinBank điều chỉnh tỷ giá lên 25.745-26.105 đồng/USD (mua - bán).

-6533-1745202746.jpg

Hiện, tỷ giá đã vượt mốc 26.000 đồng ở nhiều nhà băng.

Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết trong quý I/2025, giá USD trong nước biến động ngược chiều với giá thế giới, bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.685 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 3/2025 tăng 0,77% so với tháng trước; tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,92% so với tháng 12/2024; bình quân quý I/2025, chỉ số USD tăng 3,63%.

Theo giới phân tích, diễn biến tỷ giá trong quý I/2025 cho thấy rõ sự phức tạp trong điều hành kinh tế vĩ mô trước bối cảnh toàn cầu bất định. Những thách thức từ chính sách thuế quan, dòng vốn đầu tư và áp lực lạm phát nội địa sẽ tiếp tục là những yếu tố chính định hình xu hướng tỷ giá những tháng tới.

Theo các chuyên gia, tỷ giá còn neo ở vùng cao và được dự báo sẽ còn tăng, nên các doanh nghiệp có thể phác thảo kịch bản diễn biến của tỷ giá để chủ động hơn trong kinh doanh, phòng tránh các biến động khách quan khi giao dịch thanh toán và vay nợ ngoại tệ.

Trong bối cảnh đó, NHNN vẫn phát tín hiệu duy trì mặt bằng lãi suất thấp và nới room tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế. Điều này cho thấy NHNN có thể chấp nhận VND mất giá trong một biên độ hợp lý nhằm thúc đẩy xuất khẩu và kích thích sản xuất.

Điều này cũng được thấy trong tháng 2, tỷ giá USD/VND có xu hướng biến động mạnh dưới áp lực của nhiều yếu tố, mặc dù đồng USD suy yếu. Trong đó, nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu tư liệu sản xuất. NHNN đã can thiệp bằng cách liên tục tăng tỷ giá trung tâm thay vì thiết lập mức chặn cứng cho tỷ giá liên ngân hàng ở mức 25.450 VND/USD như giai đoạn trước đó.

Điển hình, ngày 11/2, nhà điều hành đã tăng mạnh giá bán USD can thiệp lần đầu tiên kể từ cuối tháng 10/2024, lên mức 25.698 VND/USD và liên tục thả nổi giá bán USD. Động thái này cho thấy tín hiệu về việc NHNN đang chấp nhận một mức biến động tỷ giá mạnh hơn nhằm giảm bớt áp lực lên dự trữ ngoại hối sau khi phải bán ra hơn 9 tỷ USD trong năm vừa qua.

Tỷ giá USD/VND có thể tăng khoảng 4%

Giới chuyên gia dự báo chỉ số USD (DXY) có thể tăng mạnh trước những đòn thuế quan của Tổng thống Mỹ Donal Trump. Ngân hàng UOB dự báo DXY sẽ đạt 112,6 điểm vào quý II, do những mối đe dọa thuế quan của ông Trump làm tăng rủi ro lạm phát quay lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất.

"Những lời đe dọa thuế quan có tính rủi ro cao của Tổng thống Trump, kết hợp với các cuộc đàm phán vào phút chót với đối tác thương mại của Mỹ, có thể sẽ trở thành 'bình thường mới'", nhà băng này nhận định.

UOB dự báo VND sẽ tiếp tục yếu đi so với đồng USD, với tỷ giá trong quý II sẽ vào khoảng 26.500 đồng/USD, rồi đạt 27.200 đồng/USD trong quý III và 26.800 đồng/USD trong quý IV. Đến quý I/2026, tỷ giá được dự báo duy trì ổn định ở mức 26.500 đồng/USD.

Nhìn về triển vọng tỷ giá trong năm 2025, Công ty chứng khoán KBSV đánh giá tình hình sẽ tiếp tục phức tạp do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bên ngoài, đồng thời kỳ vọng tỷ giá USD/VND có thể tăng khoảng 4% so với cuối năm 2024.

Hai yếu tố chính sẽ quyết định diễn biến tỷ giá trong thời gian tới bao gồm: Cung – cầu ngoại tệ, đặc biệt từ dòng vốn FDI, cán cân thương mại và kiều hối; Xu hướng vận động của đồng USD trên thị trường quốc tế, được phản ánh qua chỉ số DXY. Nếu đồng USD suy yếu trở lại sau giai đoạn tăng mạnh, áp lực lên tỷ giá trong nước sẽ được giảm nhẹ trong ngắn hạn.

Theo đó, Việt Nam tiếp tục thu hút mạnh dòng vốn FDI với hàng loạt dự án lớn được giải ngân trong các lĩnh vực sản xuất, hạ tầng, năng lượng và công nghệ. Đây là nguồn cung ngoại tệ bền vững, không chỉ góp phần ổn định cán cân thanh toán mà còn hỗ trợ nhu cầu nội tệ.

Cùng với đó, nguồn kiều hối và du lịch tiếp tục đóng vai trò quan trọng, liên tục tăng trong những tháng đầu năm.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 2, cho biết tính đến cuối tháng 3/2025, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM (địa phương ghi nhận lượng kiều hối nhiều nhất, chiếm hơn một nửa cả nước) đạt 2,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với quý trước và bằng 25,3% so với cả năm 2024. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng vừa qua đã đạt trên 6 triệu lượt, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19, và mục tiêu trong năm nay đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế.

Thanh Hoa