Ý kiến trái chiều về đề xuất miễn thuế nhập khẩu đơn hàng dưới 2 triệu đồng

Đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho đơn hàng dưới 2 triệu đồng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều, còn doanh nghiệp trong nước lo ngại về cạnh tranh không công bằng.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT). Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho các đơn hàng mua qua sàn thương mại điện tử có giá trị từ 2 triệu đồng trở xuống.

Nhập dưới 2 triệu đồng qua sàn online được miễn thuế

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống. Mỗi tổ chức, cá nhân được hưởng ưu đãi này với tổng giá trị không quá 96 triệu đồng/năm. Trường hợp hàng nhập khẩu qua TMĐT vượt quá định mức miễn thuế thì phải nộp thuế đối với toàn bộ trị giá hàng nhập khẩu của đơn hàng phát sinh.

Quy định về miễn thuế nhập khẩu không áp dụng đối với Hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng phải có giấy phép, điều kiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương 2017, kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính cũng nghiêm cấm việc cá nhân, tổ chức thu gom hàng hóa theo tiêu chuẩn miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành của tổ chức, cá nhân mua hàng qua giao dịch thương mại điện tử.

Đề xuất mới của Bộ Tài chính đã nâng ngưỡng giá trị hàng hoá được miễn thuế khi nhập khẩu qua TMĐT. Trước đó, theo Quyết định số 78/2010, hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT).

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho các đơn hàng giá trị dưới 2 triệu đồng trong thương mại điện tử có thể có những ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Điều này tương tự với lo ngại trước đây về việc miễn thuế cho đơn hàng dưới 1 triệu đồng, dẫn đến nguy cơ hàng giá rẻ nhập khẩu gia tăng, ảnh hưởng đến hàng sản xuất nội địa. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ lưỡng tác động thực tế.

miễn thuế nhập khẩu
Đề xuất miễn thuế nhập khẩu hàng hóa giao dịch qua TMĐT có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống. Ảnh: Thu Hà

Trên thực tế, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến giá thành hàng hóa nhập khẩu chính là thuế VAT, thường ở mức 10%. Trong khi đó, thuế nhập khẩu đối với hàng tiêu dùng phổ thông thường khá thấp, dao động từ 3-5%. Vì vậy, việc miễn thuế nhập khẩu đối với các đơn hàng nhỏ không tạo ra sự chênh lệch lớn về giá so với hàng hóa trong nước.

Một vấn đề cần lưu ý là sự công bằng giữa các hình thức nhập khẩu. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp nhập khẩu lô hàng trị giá 1 tỉ đồng từ Quảng Châu (Trung Quốc), họ sẽ phải chịu thuế nhập khẩu đầy đủ.

Ngược lại, nếu hàng hóa này được bán lẻ trực tiếp qua thương mại điện tử với từng đơn hàng nhỏ dưới 2 triệu đồng, các giao dịch này có thể được miễn thuế nhập khẩu, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Điều này có thể dẫn đến việc thương mại điện tử xuyên biên giới có lợi thế hơn so với doanh nghiệp nhập khẩu chính thức.

Tuy nhiên, theo phân tích của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, xét trên góc độ quản lý hải quan, việc miễn thuế nhập khẩu cho các đơn hàng nhỏ cũng có lý do hợp lý. Xử lý thuế nhập khẩu với hàng giá trị thấp có thể gây tốn kém về thời gian và nguồn lực cho cơ quan hải quan. Do đó, việc miễn thuế này có thể giúp giảm áp lực hành chính và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển thuận lợi hơn.

that-thu-thue-hang-nhap-khau-gia-re-tmdt2.jpg
Theo chuyên gia, việc áp dụng thuế VAT đơn hàng thương mại điện tử đảm bảo đóng góp vào ngân sách nhà nước và giúp cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia thị trường. Ảnh: Thu Hà

“Về tổng thể, đề xuất này có tác động chủ yếu đến sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp nhập khẩu truyền thống và thương mại điện tử xuyên biên giới, hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước. Trong khi đó, thuế VAT vẫn được duy trì, đảm bảo đóng góp vào ngân sách nhà nước và giúp cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia thị trường” – ông Thịnh chia sẻ.

Vẫn còn lo ngại cạnh tranh

Trong vai trò doanh nghiệp, ông Trần Lâm, Giám đốc điều hành của Natural House, đơn vị kinh doanh trên sàn TMĐT, không đồng tình với đề xuất nêu trên. Ông Lâm cho rằng, mới đây phải mất rất nhiều thời gian thì mới có quyết định bãi bỏ miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng dưới 1 triệu đồng, thì nay Bộ Tài chính lại nâng mức miễn thuế lên 2 triệu, dù quy định mức miễn tối đa là 96 triệu đồng/năm đối với cá nhân, tổ chức là điều không cần thiết.

“Điều quan trọng là xem ở các nước sở tại, chính quyền đang quản lý hay hỗ trợ thuế quan cho TMĐT nước họ ra sao, vốn dĩ như Trung Quốc các nhà bán hàng đã được hỗ trợ rất nhiều về thuế. Do đó việc miễn thuế với đơn hàng dưới và bằng 2 triệu đồng đồng, quy định 96 triệu/năm, sẽ vẫn gây ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước” - ông Trần Lâm nói.

mien-thue-nhap-khau-hang-online.jpg
Đề xuất miễn thuế nhập khẩu đơn hàng dưới 2 triệu đồng vẫn khiến hàng Việt lo ngại cạnh tranh vì hàng ngoại nhập giá rẻ vẫn đổ bộ. Ảnh: Thu Hà

Đối với vấn đề thuế quan với hàng nhập khẩu vào Việt Nam, đại diện một sàn thương mại điện tử tại Việt Nam cho biết, hoàn toàn chấp hành theo các quy định của nhà nước và không có góp ý đối với việc nên hay không nên thu thuế đối với hàng giá trị nhỏ.

Tuy nhiên vị này nhấn mạnh, nếu có một quy định công bằng về thuế, luật hoạt động giữa các sàn TMĐT, giữa các hàng hóa thì sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng, giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và khuyến khích đầu tư.

Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, đây chỉ là đề xuất của Bộ Tài Chính đối với thuế xuất nhập khẩu, và không phải bao gồm các thuế khác. Tuy nhiên, về quan điểm, ông Minh cho rằng một khi đã tính thuế đối với hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh thì đề xuất nêu trên là không cần thiết.

Đơn hàng giá trị nhỏ hết được miễn thuế VAT

Từ ngày 18-2-2025, theo Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các mặt hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ sẽ không còn được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT). Đây là một bước đi quan trọng nhằm đảm bảo tính công bằng trong hệ thống thuế, phù hợp với xu hướng quốc tế và góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, việc triển khai chính sách mới cũng đặt ra nhiều thách thức về thủ tục hành chính và hạ tầng công nghệ.

Quang Huy - Thu Hà