Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 3 đạt 75,39 tỷ USD, tăng 18,2% so với tháng trước, tương ứng tăng 11,62 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu là 38,51 tỷ USD, tăng 23,8%, tương ứng tăng 7,4 tỷ USD và nhập khẩu là 36,88 tỷ USD, tăng 12,9%, tương ứng tăng 4,22 tỷ USD.
Lũy kế trong quý I, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7%, tương ứng tăng 24,39 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6%, tương ứng tăng 9,89 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu là 99,68 tỷ USD, tăng 17%, tương ứng tăng 14,51 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Trị giá xuất nhập khẩu theo tháng năm 2025. (Nguồn: Nguyễn Ngọc tổng hợp từ Cục Hải quan)
Cụ thể, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 3 đạt 38,51 tỷ USD, tăng 23,8% so với tháng trước.
Trong đó, có 8 nhóm hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD và đều ở mốc cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,57 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,82 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 4,67 tỷ USD; hàng dệt may đạt 3,06 tỷ USD; giày dép các loại đạt 1,9 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,47 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,45 tỷ USD và cà phê đạt 1,06 tỷ USD.
Tính chung, trị giá xuất khẩu của 8 nhóm hàng này đạt 27 tỷ USD, chiếm 70% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Lũy kết, trong quý I, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 5 nhóm hàng tăng trên 500 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Đó là, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,77 tỷ USD; máy móc, thiết bị và phụ tùng tăng 1,48 tỷ USD; hàng dệt may tăng 872 triệu USD; giày dép các loại tăng 582 triệu USD và đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 524 triệu USD.
Tính chung, tổng trị giá xuất khẩu 5 nhóm hàng này tăng 8,23 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong quý I. (Nguồn: Nguyễn Ngọc tổng hợp từ Cục Hải quan)
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu hàng hóa trong tháng 3 đạt 36,88 tỷ USD, tăng 12,9%, tương ứng tăng 4,22 tỷ USD so với tháng trước và tăng 19,4% so với tháng 3/2024.
Có tới 43/53 nhóm hàng nhập khẩu chủ lực tăng so với tháng trước. Trong đó, tăng mạnh nhất là các nhóm hàng như máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 10,4%, tương ứng tăng 1,08 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 27,9%, tương ứng tăng 1,06 tỷ USD; vải các loại tăng 30,2%, tương ứng tăng 312 triệu USD; hạt điều tăng 106,9% tương ứng tăng 254 triệu USD.
Lũy kế, trong quý I, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 99,68 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 14,51 tỷ USD.
Trong đó, dẫn đầu là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 7,58 tỷ USD; đứng thứ hai là nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 2,29 tỷ USD; đứng thứ ba là nhập khẩu nhóm hàng kim loại thường khác và sản phẩm tăng 837 triệu USD.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng tới 22%, tương ứng tăng 5,66 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 31% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,08 tỷ USD, tăng 24,7%, tương ứng tăng 7,56 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm tới 38% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 3 thặng dư 1,63 tỷ USD. Tính chung trong quý I, mức thặng dư thương mại hàng hóa là 3,15 tỷ USD, giảm 59,4% so với con số thặng dư 7,77 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Ngọc Bảo