Cả nước còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất giảm số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước từ 63 xuống còn 34, trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 11 khóa 13 chiều 12/4, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc sắp xếp này được thực hiện với tinh thần "khoa học, đột phá, sáng tạo, bám sát thực tiễn và có tầm nhìn 100 năm", nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cho đất nước.

Mục tiêu của việc sắp xếp là xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu quả, gần dân, đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát triển kinh tế (chú trọng kinh tế tư nhân), khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao đời sống nhân dân.

Theo chủ trương đã được Trung ương thống nhất cao, chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu). Cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động sau khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025. Dự kiến, cả nước sẽ giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 11, chiều 12/4. Ảnh: TTXVN

Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 11, chiều 12/4. Ảnh: TTXVN

Trung ương cũng đồng ý chủ trương lập tổ chức đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp huyện.

Với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp tỉnh vừa thực hiện chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên địa bàn.

Cấp xã chủ yếu thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp tỉnh ban hành; được tăng cường phân cấp, phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình.

Hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng

Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã; chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang, giảm mức đóng góp công đoàn phí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Ban chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các quy định về chính quyền địa phương phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6; có hiệu lực từ ngày 1/7.

Các quy định mới sẽ có thời gian chuyển tiếp để bảo đảm hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với kế hoạch, lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.

Trung ương yêu cầu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan phối hợp triển khai chặt chẽ có hiệu quả các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế.

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên hiện trạng. Đó là Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. 52 địa phương còn lại thuộc diện phải sắp xếp, bao gồm cả 4 thành phố trực thuộc Trung ương là TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Một số địa phương đang nghiên cứu phương án sáp nhập như Đà Nẵng và Quảng Nam; Bắc Giang và Bắc Ninh; Hải Phòng và Hải Dương; Lào Cai và Yên Bái...

Vũ Tuân

 

screen-shot-2021-05-08-at-13314-pm-min-1744343169.png