Chấn động: Yahoo muốn thâu tóm Chrome từ tay Google

Yahoo bất ngờ tuyên bố sẵn sàng mua lại trình duyệt Chrome nếu Google buộc phải bán

Thông tin gây chấn động ngành công nghệ những ngày qua khi Yahoo tuyên bố sẵn sàng mua lại trình duyệt Chrome nếu tòa án Mỹ ra phán quyết buộc Google phải bán đi “con át chủ bài” của mình. Đây có thể là bước ngoặt lớn, không chỉ với Yahoo mà còn làm thay đổi toàn bộ cục diện thị trường tìm kiếm trực tuyến toàn cầu.

Tham vọng phục hưng của Yahoo với tham vọng sở hữu Chrome

Tại phiên điều trần ngày 24.4 ở Washington, ông Brian Provost, Tổng giám đốc mảng Tìm kiếm của Yahoo, đã nhấn mạnh rằng khoảng 60% các truy vấn tìm kiếm ngày nay bắt nguồn từ trình duyệt web, chủ yếu thông qua thanh địa chỉ. Vì thế, việc sở hữu một trình duyệt như Chrome có thể giúp Yahoo củng cố vị thế cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm, nơi mà hiện tại họ chỉ chiếm khoảng 3% thị phần.

Chấn động: Yahoo muốn thâu tóm Chrome từ tay Google
Việc sở hữu một trình duyệt như Chrome có thể giúp Yahoo củng cố vị thế cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm. Ảnh: Internet

Yahoo tiết lộ họ đã phát triển một nguyên mẫu trình duyệt nội bộ nhằm hiểu rõ hơn về hành vi người dùng, tuy nhiên Provost thừa nhận rằng mua lại Chrome sẽ là cách nhanh chóng và hiệu quả hơn để mở rộng quy mô. Ông cũng dự đoán nếu nắm trong tay Chrome, thị phần tìm kiếm của Yahoo hoàn toàn có thể vươn lên đạt mức hai con số, tạo nên một cuộc lật đổ ngoạn mục trong ngành công nghệ.

Mặc dù thương vụ này có thể tiêu tốn hàng chục tỉ USD, Yahoo khẳng định họ đủ tiềm lực tài chính để thực hiện, đặc biệt với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ tập đoàn đầu tư Apollo Global Management.

Chrome trở thành miếng bánh hấp dẫn trong mắt nhiều ông lớn công nghệ

Không chỉ riêng Yahoo, một loạt tên tuổi khác trong ngành công nghệ cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt nếu Chrome thực sự được rao bán. Đại diện của OpenAI và Perplexity xác nhận họ sẽ tham gia đấu giá nếu có cơ hội. Ngược lại, CEO của DuckDuckGo thừa nhận công ty mình không đủ tiềm lực tài chính để theo đuổi thương vụ này.

Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng khổng lồ của Chrome trên thị trường trình duyệt và tìm kiếm, biến nó trở thành mục tiêu thèm muốn của nhiều “ông lớn” trong cuộc chơi mới.

Vụ kiện chống độc quyền: cơ hội để thị trường tìm kiếm tái định hình?

Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đang theo đuổi vụ kiện chống độc quyền lớn nhất trong nhiều thập kỷ, cáo buộc Google lợi dụng sức mạnh của Chrome để củng cố vị thế độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến. DOJ đề xuất rằng một trong những biện pháp khắc phục hợp lý là buộc Google phải bán Chrome, nhằm giảm bớt sự kiểm soát quá lớn đối với cách người dùng truy cập internet.

Google lập luận ngược lại, cảnh báo rằng việc chia tách Chrome có thể gây tổn hại đến toàn bộ hệ sinh thái trình duyệt vốn đang dựa nhiều vào nền tảng Chromium mã nguồn mở. Tuy nhiên, nếu phán quyết cuối cùng yêu cầu Google phải bán Chrome, đây có thể trở thành một trong những sự kiện công nghệ có tác động sâu rộng nhất trong thập niên.

Gia Bảo