
Sáng nay (26/4), CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025.
Theo báo cáo của HĐQT công ty, năm ngoái trong bối cảnh vướng mắc chung về mặt pháp lý, quỹ đất hiện hữu chưa thể triển khai để thu hồi vốn. Việc tìm kiếm dự án mới để M&A gặp khó khăn, dẫn đến chưa có dự án mới tạo nguồn việc tiếp nối. Ngoài ra, kế hoạch mở bán các sản phẩm cuối cùng của Hado Charm Villas cũng được điều chỉnh sang năm 2025 nhằm tối ưu lợi nhuận.
Với lĩnh vực năng lượng, các nhà máy đều vượt kế hoạch sản lượng và doanh thu. Với lĩnh vực tài chính, Ban điều hành đã quản lý dòng tiền hiệu quả, đảm bảo thanh khoản ổn định, việc huy động vốn được triển khai linh hoạt, việc kiểm soát chi phí tài chính cũng được thực hiện chặt chẽ.
Mục tiêu lãi gấp hơn 2 lần năm ngoái

(Đồ họa: H.L).
Tại Đại hội, Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty trình kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh thu hợp nhất 2.936 tỷ đồng (tăng 8%) và lãi sau thuế 1.057 tỷ đồng (tăng hơn 136%) so với kết quả thực hiện được trong năm 2024.
Hà Đô cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% vốn điều lệ. Dự kiến tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2025 là 15% vốn điều lệ.
Trong năm nay, Ban điều hành Tập đoàn cho biết sẽ tập trung bán hàng thu vốn tại các dự án sẵn có, tìm kiếm, phát triền thêm các dự án nhà ở thương mại tại các địa phương, tạo việc làm và doanh thu trong giai đoạn 2025 - 2027.
Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc và giải quyết các tồn tại các dự án đã đầu tư xong. Tìm hướng triển khai thực hiện các dự án Linh Trung, Quận 8 theo cơ chế Nghị quyết thí điểm. Cùng với đó sẽ tiếp tục đẩy nhanh thủ tục pháp lý của các dự án phát triển mới như Thái Bình, Yên Bái, Tân Uyên và xúc tiến các dự án tại Cần Thơ, Long An.
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm, phát triến các dự án khu công nghiệp, nước sạch, logistic.
Với các dự án điện gió, điện mặt trời đã nghiên cứu khảo sát, đo gió Tập đoàn sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý, chuẩn bị năng lực để đấu thầu dự án.
Miễn nhiệm một thành viên HĐQT độc lập
Tại Đại hội lần này, HĐQT Hà Đô trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với ông Hoàng Đình Hùng.
Trước đó, ngày14/4/2025, ông Hùng đã gửi đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên độc lập HĐQT nhiệm kỳ 2024 - 2029 vì lý do sức khỏe cá nhân.
Ông Nguyễn Trọng Thông sẽ tiếp tục đồng hành với Tập đoàn
Trước khi bắt đầu phiên thảo luận, ông Nguyễn Trọng Thông, sáng lập Tập đoàn Hà Đô đã có một số chia sẻ với cổ đông.
Ông cho biết, các cổ đông của công ty cổ phần đều mong muốn giá cổ phiếu tăng để thu về lợi nhuận. Hà Đô rất trân trọng những người đã đầu tư vào công ty.
"Có thể nói chưa bao giờ Hà Đô khó khăn như bây giờ, công ty đang bị cú đúp về khó khăn. Khởi điểm từ năm 2019, đến năm 2021 - 2022 là thời điểm dịch COVID-19. Sau khi dịch đi qua, cơ chế chính sách có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, hiện nay Hà Đô đã tích tụ được một tiềm lực tương đối lớn và sẽ sớm tháo gỡ được những khó khăn nội tại. Vị thế của Hà Đô ở cả trong và ngoài nước đều ngang ngửa với các tập đoàn lớn", ông Thông nói.
Vị này chia sẻ thêm, hiện nay nhân loại phụ thuộc vào năng lượng và công nghệ. Công nghệ của Việt Nam chưa cao, năng lượng cũng chưa phải đủ. Nhiều người hay nói đến net zero,… nhưng đây đều là tiền.
Hiện nay năng lượng điện chưa đủ đáp ứng so với nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam, phát triển công nghệ AI cũng cần rất nhiều điện. Do đó, cần phải phát triển điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, nếu không trợ giá sẽ không làm được. Quy hoạch điện VIII đã được điều chỉnh nhưng Hà Đô cũng khó đầu tư thêm được nhiều.
"Vì vậy, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh mảng kinh doanh truyền thống là bất động sản, tôi đã chỉ đạo Ban điều hành nghiên cứu những lĩnh vực mới như logistic, cảng biển, cao tốc… Bên cạnh đó phải đầu tư ra nước ngoài. Tại Đại hội lần này, tôi cũng muốn hỏi các cổ đông liệu có muốn tôi tiếp tục tham gia thêm với Ban điều hành và HĐQT Hà Đô nữa không, hay tôi nên nghỉ? Hiện một ngày tôi vẫn dành 7 – 8 tiếng cho công ty”, ông Thông nói.
Phần thảo luận
Cổ đông: Thời điểm cụ thể mở bán nốt Hado Charm Villas?
Ông Nguyễn Trọng Minh, Phó Chủ tịch: Dự kiến trong tháng 5 này, chúng tôi sẽ mở bán nốt các sản phẩm còn lại.
Cổ đông: Hà Đô đang nghiên cứu dự án mới nào tại Thái Bình?
Ông Minh: Tập đoàn đang nghiên cứu dự án nhà ở tại huyện Vũ Thư, ngoài ra chúng tôi cũng đang làm việc với huyện Tiền Hải để nghiên cứu đầu tư một dự án khu công nghiệp thuộc xã Đông Long. Do đang trong quá trình nghiên cứu nên chúng tôi chưa thể công bố nội dung chi tiết.
Cổ đông: Hiện tại giá trị thật của một cổ phiếu HDG trên sổ sách là bao nhiêu?
Ông Minh: Hiện nay giá trị sổ sách một cổ phiếu HDG là gần 19.000 đồng.
Cổ đông: Việc trích lập dự phòng cho các dự án Hồng Phong 4, Infra 1 ra sao?
Ông Minh: Với dự án Hồng Phong 4, công ty đã trích lập dự phòng do chênh lệch giá. Với Infra 1, tiền điện vẫn được thanh toán nên chúng tôi không có cơ sở để trích lập.
Cổ đông: Ban lãnh đạo chia sẻ rõ hơn về dự án Khu đô thị mới Dịch Vọng đang hợp tác với Nhà Từ Liêm?
Ông Minh: Hà Đô và Nhà Từ Liêm trước đây đã có một thỏa thuận về việc phân chia sản phẩm tại dự án này, chúng tôi phát triển dự án cùng nhau từ năm 1999. Hiện Hà Đô chưa thanh toán số tiền ứng trước trong chi phí phát triển dự án cho Nhà Từ Liêm. Hiện nay Hà Đô đang tiếp tục triển khai dự án tại khu đất ký hiệu HH.
Cổ đông: Xin Ban lãnh đạo chia sẻ chi tiết kế hoạch doanh thu và lợi nhuận từng mảng hoạt động kinh doanh trong năm nay?
Ông Minh: Năm nay Hà Đô mặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.936 tỷ đồng, trong đó mảng bất động sản chiếm 755 tỷ đồng, mảng năng lượng chiếm 1.869 tỷ đồng. Con số này có thể thay đổi tùy theo tiến độ bán nốt các căn còn lại tại dự án Hado Charm Villas, với giá bán ước tính 120 triệu đồng/m2, dự án này sẽ mang về khoảng gần 3.000 tỷ đồng.
Cổ đông: Những dự án nào của Hà Đô được thí điểm làm nhà ở thương mại trên đất khác?
Ông Minh: Dự án Linh Trung, Quận 8 đã được đưa vào danh sách thí điểm để trình phê duyệt. Tuy nhiên phải chờ thêm.
Cổ đông: Hoạt động M&A các dự án bất động sản thương mại của Tập đoàn hiện có tiến triển gì chưa?
Ông Minh: Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm thêm cơ hội M&A dự án. Trong năm vừa qua chúng tôi không tìm kiếm được dự án nào do công ty đặt mục tiêu an toàn, dự án có pháp lý sạch mới mua. Hiện nguồn tiền mặt của Tập đoàn đang có hơn 1.000 tỷ, sẽ huy động thêm khoảng 5.000 – 6.000 tỷ nếu cần để phục vụ M&A khi có dự án phù hợp.
Cổ đông: Sản lượng thủy điện năm nay của Hà Đô dự kiến tăng 10 – 15% so với cùng kỳ, nhưng giá trên thị trường giảm rất nhiều. Dự kiến doanh thu, lợi nhuận cho mảng này năm nay sẽ đi ngang hay tăng trưởng nhẹ?
Ông Lê Xuân Long, Chủ tịch Tập đoàn: Thủy điện ở Việt Nam cũng phát triển cơ bản gần hết, chỉ còn khoảng vài nghìn MW tại các dự án thủy điện nhỏ. Dự kiến quy hoạch đến năm 2030 công suất khoảng 33.000 MW, nhưng công suất hiện tại đã rơi vào khoảng 30.000 MW. Để triển khai đầu tư các dự án thủy điện nhỏ thì hiệu quả cũng không được cao, bởi hiện nay giá thành của thủy điện rất thấp. Do đó, dự kiến doanh thu, lợi nhuận của mảng nay trong năm nay cũng sẽ không biến động nhiều so với năm ngoái.
Cổ đông: Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vừa được phê duyệt, công suất điện mặt trời và điện gió tăng rất mạnh. Có vẻ Hà Đô đang còn rón rén trong mảng này, định hướng trong vòng 5 năm tới là gì?
Ông Long: Định hướng 5 năm tới của Hà Đô vẫn sẽ đẩy mạnh các trụ cột là năng lượng, bất động sản. Ngoài ra sẽ phát triển thêm các lĩnh vực mới xoay quanh lĩnh vực cốt lõi.
Với chính sách giá của Nhà nước hiện nay, tôi cho rằng chưa đủ hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư trong lĩnh vực điện. Tôi nghĩ Chính phủ sẽ phải có những điều chỉnh về vấn đề giá. Hà Đô cũng đã có những quỹ đất chuẩn bị từ 5 – 7 năm trước cho điện gió và điện mặt trời, và cũng đã được đưa vào Quy hoạch điện VIII. Khi có một cơ chế giá phù hợp thì công ty sẽ triển khai.
Cổ đông: EVN vừa qua đã làm việc với các nhà đầu tư về giá FIT 1 và FIT 2, vậy các dự án của Hà Đô đang được gỡ vướng về giá FIT như thế nào?
Ông Long: Hà Đô có hai dự án điện mặt trời trước đây hưởng giá FIT 1, hiện đang chờ các cơ quan chức năng xem xét và tháo gỡ. Đây là bối cảnh chung, hiện có 172 dự án cũng bị ảnh hưởng với giá FIT.
Cổ đông: Tại sao thị giá HDG xuống thấp mà công ty không mua cổ phiếu quỹ?
Ông Minh: Theo quy định, nếu mua cổ phiếu quỹ thì doanh nghiệp phải giảm vốn điều lệ. Tôi cho rằng việc mua cổ phiếu quỹ không mang lại giá trị thực tế cho cổ đông, thay vào đó chúng ta sẽ tích lũy nguồn tiền mặt để đi tìm kiếm và mua lại các dự án. Trong thời gian sắp tới, tôi nghĩ cơ hội M&A dự án sẽ nhiều.
Cổ đông: Kết quả kinh doanh quý I/2025 của Hà Đô?
Ông Minh: Trong quý đầu năm nay, doanh thu của Tập đoàn đạt 540 tỷ đồng, trong đó đóng góp chủ yếu là mảng năng lượng và lợi nhuận sau thuế là 136 tỷ đồng; lần lượt giảm 36% và 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do quý này công ty không ghi nhận doanh thu mảng bất động sản.
Cổ đông: Dự kiến giá vốn hạch toán cho phần còn lại của dự án Hado Charm Villas là bao nhiêu, với phần đất còn lại dự kiến tiền sử dụng đất phải nộp thêm là bao nhiêu?
Ông Minh: Tiền đất Hà Đô dự kiến nộp bổ sung cho dự án này là 500 tỷ đồng.
Cổ đông: Đối với dự án Hồng Phong 4, việc giao đất có vướng khoáng sản là lỗi khách quan của Nhà nước hay lỗi chủ quan của Hà Đô? Công ty dự kiến có phải trích lập dự phòng cho dự án Infra 1 hay không?
Ông Minh: Với dự án Hồng Phong 4, hiện tại chúng tôi đã trích lập toàn bộ cho phần chênh lệch giá. Do đó, dự kiến năm sau sẽ không phải trích lập nữa.
Ông Lê Xuân Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn: Liên quan đến dự án Hồng Phong 4, Chính phủ đã có Nghị quyết 233, hiện tại Bộ Công Thương, tỉnh Bình Thuận và EVN đang vào cuộc. Theo kế hoạch dự kiến trong tháng 6 năm nay sẽ giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tuy nhiên có thể chậm hơn. Đối với Infra 1, chúng tôi đang chờ kết luận cuối cùng và hướng dẫn của cơ quan Nhà nước.
Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.
Hà Lê