Kệ hàng trống rỗng, lao động bị sa thải sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái trong mùa hè này

Đây là dự báo của công ty quản lý tài sản Apollo Global Management. So với phần còn lại của Phố Wall, dự báo của Apollo bi quan hơn hẳn.

Các kệ hàng trống rỗng trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành vào năm 2020. (Ảnh: Getty Images).

Theo công ty quản lý tài sản Apollo Global Management, tác động kinh tế từ chính sách thuế quan do chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt sẽ sớm trở nên rõ ràng với người dân Mỹ và dẫn đến suy thoái kinh tế vào mùa hè này.

Trong một lưu ý gửi khách hàng vào ngày 25/4, ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng của Apollo, đã đưa ra các mốc thời gian mà thuế quan bắt đầu thể hiện tác động lên nền kinh tế Mỹ.

Dựa trên thời gian vận chuyển cần để đưa hàng hoá từ Trung Quốc sang Mỹ, người tiêu dùng Mỹ có thể bắt đầu cảm nhận thấy tình trạng thiếu hụt tại các cửa hàng địa phương vào tháng tới.

“Hậu quả sẽ là những kể hàng trống rỗng trong vài tuần và người tiêu dùng cũng như các công ty sử dụng hàng hoá Trung Quốc làm sản phẩm trung gian sẽ chịu tình trạng thiếu hụt giống như trong đại dịch COVID-19”, ông Slok viết trong lưu ý.

Dưới đây là dòng thời gian từ khi thuế quan được ban hành đến lúc nền kinh tế suy thoái:

- Ngày 2/4: Tổng thống Donald Trump công bố thuế đối ứng, các chuyến tàu container khởi hành từ Trung Quốc đến Mỹ chậm lại

- Đầu đến giữ tháng 5: Các tàu container đến các cảng Mỹ dừng lại

- Giữa đến cuối tháng 5: Nhu cầu vận tải đình trệ, dẫn đến các kệ hàng trống rỗng và doanh số bán hàng của các doanh nghiệp giảm

- Cuối tháng 5 đến đầu tháng 6: Sa thải trong ngành vận tải và bán lẻ

- Mùa hè 2025: Suy thoái

Để củng cố nhận định nền kinh tế Mỹ đang bên bờ vực suy thoái, lưu ý của ông Slok cũng bao gồm số liệu về đơn đặt hàng mới của doanh nghiệp, triển vọng thu nhập và kế hoạch chi tiêu vốn. Tất cả đều giảm mạnh trong những tuần gần đây.

Chính quyền ông Trump đã tạm dừng các mức thuế đối ứng cao hơn với gần 60 đối tác thương mại lớn, nhưng vẫn tăng cao thuế quan với Trung Quốc. Hàng hoá Trung Quốc sang Mỹ đang phải chịu mức thuế 145%, có sản phẩm lên đến 245%.

Phát biểu trên CNBC vào đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết bế tắc thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh là “không bền vững”. Ông nhấn mạnh căng thẳng hạ nhiệt hay không đều tuỳ thuộc vào Trung Quốc.

Trung Quốc không phải là nguồn cung cấp hàng tiêu dùng duy nhất của Mỹ, nhưng nước này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Mỹ nhập khẩu khoảng 438,9 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc trong năm 2024, xếp ngay sau Mexico và trên Canada trong danh sách các đối tác lớn nhất.

Trong khi nhiều người trên Phố Wall cho rằng suy thoái kinh tế có khả năng xảy ra trong năm nay, dự đoán của ông Slok bi quan hơn hẳn.

Bộ trưởng Bessent cho biết Washington dự kiến nền kinh tế sẽ có “giai đoạn thanh lọc” do các cuộc đàm phán thương mại nhưng không nhất thiết sẽ suy thoái.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề cập đến một số bằng chứng cho thấy “sự gia tăng” các đơn đặt hàng trước khi thuế đối ứng được công bố. Điều này có thể giúp doanh nghiệp duy trì lượng hàng bày bán lâu hơn so với mốc thời gian mà Apollo đề ra.

“Đừng nghĩ các kệ hàng sẽ trống rỗng - [tính đến thời điểm hiện tại] lượng hàng tồn kho vẫn tăng và nhu cầu thì đang chậm lại”, nhà phân tích Aneesha Sherman của Bernstein viết trong một lưu ý gửi các khách hàng hôm 28/4. 

Khả Nhân