Lần đầu tiên trong lịch sử: Trung Quốc thông qua luật thúc đẩy kinh tế tư nhân, quyết tâm vực dậy nền kinh tế

Trung Quốc vừa thông qua đạo luật đầu tiên dành riêng cho khu vực tư nhân, nhằm củng cố niềm tin doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh công bằng và tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh áp lực thương mại và nhu cầu nội địa gia tăng.

Ngày 30/4, Trung Quốc đã thông qua một đạo luật mới nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang chịu áp lực gia tăng từ chiến tranh thương mại với Mỹ và nhu cầu chuyển hướng sang tăng trưởng dựa vào thị trường nội địa.

Luật Thúc đẩy Kinh tế Tư nhân, gồm 78 điều, được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) thông qua sau lần đọc thứ ba. Đây là đạo luật đầu tiên tại Trung Quốc tập trung riêng vào việc hỗ trợ và phát triển khu vực tư nhân. Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5 tới.

Theo truyền thông nhà nước, đạo luật đặt ra các biện pháp nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án khoa học – công nghệ, đồng thời bảo vệ quyền lợi kinh tế của họ. Toàn văn luật hiện chưa được công bố.

Một quan chức giấu tên thuộc Ủy ban Lập pháp NPC, được Tân Hoa Xã dẫn lời, cho biết luật mới sẽ tạo nền tảng thể chế cho một môi trường kinh doanh "ổn định, công bằng, minh bạch và có thể dự đoán được" dành cho khu vực tư nhân. Quan chức này cũng nhấn mạnh rằng luật không có hiệu lực hồi tố – điểm được cho là nhằm trấn an giới doanh nhân trước lo ngại về các rủi ro pháp lý liên quan đến hành vi trong quá khứ.

Lần đầu tiên trong lịch sử: Trung Quốc thông qua luật thúc đẩy kinh tế tư nhân, quyết tâm vực dậy nền kinh tế - ảnh 1​​​​​​
Một công trường xây dựng tại Thượng Hải, Trung Quốc vào tháng 4/2025

    ​​​​Ông Li Zhaoqian, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Kinh tế Tư nhân Trung Quốc, nhận định trên tờ Nhân dân Nhật báo ngày 30/4 rằng hiệu quả của đạo luật sẽ phụ thuộc vào mức độ thực thi thực tế. “Doanh nghiệp tư nhân vẫn đang đối mặt với những rào cản như hạn chế tiếp cận thị trường, nợ tồn đọng, khó khăn tài chính và việc bảo vệ quyền lợi doanh nhân,” ông Li nói. “Giải pháp cần là tăng cường giám sát và phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai.”

Cũng theo vị quan chức NPC, luật sẽ góp phần chuẩn hóa việc thực thi pháp luật, tăng cường giám sát hợp đồng chính phủ và đảm bảo thanh toán kịp thời cho các doanh nghiệp tư nhân – một vấn đề gây tranh cãi trong thời gian qua.

Ông Tang Dajie, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Trung Quốc (Bắc Kinh), cho biết một trong những điểm then chốt của luật là việc ngăn chặn các chính quyền địa phương áp dụng biện pháp trừng phạt không công bằng đối với doanh nghiệp tư nhân – còn gọi là “thực thi pháp luật vì lợi nhuận”.

“Trong hai năm qua, cộng đồng doanh nghiệp đã phản ứng gay gắt trước việc một số cơ quan chính quyền vượt thẩm quyền để phạt tiền hoặc tịch thu tài sản,” ông Tang nhận định. “Luật mới sẽ giới hạn quyền thực thi pháp luật của cơ quan an ninh công cộng và thúc đẩy cách thực thi nghiêm ngặt, chuẩn mực, công bằng và văn minh.”

Việc thông qua luật được xem là cú hích tinh thần vào thời điểm Bắc Kinh tìm cách trấn an khu vực tư nhân, sau thời gian dài niềm tin doanh nghiệp bị bào mòn do các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và không gian chính sách thiếu nhất quán.

Dù từng được kỳ vọng sẽ được thông qua tại kỳ họp lập pháp thường niên vào tháng trước, luật này chỉ chính thức được thông qua trong phiên họp mới nhất của Ủy ban Thường vụ NPC bắt đầu từ Chủ nhật. Ông Tang lưu ý rằng tiến trình thông qua đã được đẩy nhanh rõ rệt trong phiên họp lần này.

Đây được xem là thời điểm then chốt đối với Trung Quốc, khi nhu cầu thúc đẩy tiêu dùng nội địa và đầu tư trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, trong bối cảnh lĩnh vực xuất khẩu – trụ cột tăng trưởng lâu nay – bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mức thuế cao từ phía Mỹ.

Việc xây dựng luật bắt đầu từ năm 2024, dưới sự chủ trì của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia – cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc. Một bản dự thảo được công bố lấy ý kiến công chúng vào tháng 10 cùng năm. Đến tháng 2, vòng rà soát thứ hai đã khơi gợi nhiều cuộc tranh luận về các vấn đề tiếp cận thị trường và quy trình thực thi.

Tháng đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gây chú ý khi triệu tập các doanh nhân tư nhân hàng đầu, bao gồm Jack Ma (Alibaba) và Lei Jun (Xiaomi), để cùng thảo luận về vai trò của khu vực tư nhân trong việc ổn định nền kinh tế. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo cấp cao và giới doanh nghiệp tư nhân kể từ năm 2018.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, khu vực tư nhân đóng góp hơn 60% GDP, 70% đổi mới công nghệ và khoảng 80% việc làm tại khu vực thành thị. Tuy nhiên, đà phục hồi kinh tế thiếu đồng đều, tiêu dùng nội địa yếu và môi trường chính sách bất ổn đã khiến niềm tin của nhà đầu tư suy giảm nghiêm trọng trong những năm gần đây.

Những vấn đề như hạn chế gia nhập thị trường và ưu đãi quá mức dành cho khu vực nhà nước vẫn là mối quan ngại kéo dài. Đầu tư tư nhân đã liên tục sụt giảm trong nhiều năm. Dù vậy, một tín hiệu tích cực xuất hiện khi đầu tư mới từ khu vực tư nhân tăng 0,4% trong quý I năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Vũ Bấc - Tham khảo South China Morning Post (SCMP)