Nếu ông Trump hủy niêm yết doanh nghiệp Trung Quốc, cả Mỹ cũng khó tránh thua thiệt

Phố Wall có thể trở thành mặt trận tiếp theo trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Politico). 

Tín hiệu từ Washington

Trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan bước vào giai đoạn căng thẳng, các nhà đầu tư đang một lần nữa lo lắng rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ hủy niêm yết các doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News vào ngày 9/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent từ chối loại trừ khả năng hủy niêm yết doanh nghiệp Trung Quốc. Ông cho biết: “Mọi phương án đều đang được xem xét”. Ông nói thêm rằng quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào các cân nhắc của chủ nhân Nhà Trắng.

Tỷ phú đầu tư Kevin O’Leary, một trong những đồng minh của ông Trump, lập luận rằng việc hủy niêm yết sẽ giúp gây áp lực buộc Trung Quốc “ngồi vào bàn đàm phán”.

Thượng nghị sĩ Rick Scott, chính trị gia cùng Đảng Cộng hòa với ông Trump, coi lập trường cứng rắn của Nhà Trắng với Trung Quốc là cơ hội tiềm năng để loại bỏ doanh nghiệp Trung Quốc khỏi thị trường chứng khoán Mỹ vĩnh viễn.

Theo số liệu mới nhất của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung, tính tới ngày 7/3 có 286 doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại ba sàn chứng khoán lớn nhất nước Mỹ bao gồm Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE), Nasdaq và NYSE American. Tổng vốn hóa những công ty này vào khoảng 1.100 tỷ USD, cao hơn 250 tỷ USD so với đầu năm 2024.

Doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ không phát hành cổ phiếu trực tiếp mà thông qua ngân hàng hoặc công ty chứng khoán để bán chứng chỉ lưu ký (ADR). ADR đại diện cho cổ phần của nhà đầu tư Mỹ trong công ty nước ngoài. Việc hủy niêm yết các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ có khả năng sẽ gây ra hậu quả lớn với cả hai siêu cường kinh tế và thị trường tài chính thế giới.  

Hôm 22/4, ông Bessent bày tỏ sự lạc quan rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt trong vài tháng tới, nhưng lưu ý hai nước có thể mất đến ba năm để đạt một thỏa thuận toàn diện. Trong khoảng thời gian đó, có thể sẽ có lúc mâu thuẫn giữa hai nước bùng nổ và Nhà Trắng quyết định hành động cứng gắn để gây sức ép với Bắc Kinh.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump cũng đã cân nhắc ý tưởng hủy niêm yết tất cả các công ty Trung Quốc khỏi các sàn chứng khoán Mỹ.

Các biện pháp của Nhà Trắng

Nếu Nhà Trắng quyết tâm loại bỏ doanh nghiệp Trung Quốc khỏi thị trường chứng khoán Mỹ, các quan chức đã có sẵn vài phương án trong tay.

Các nhà quan sát chú ý nhiều nhất tới Đạo luật yêu cầu các công ty nước ngoài phải chịu trách nhiệm (HFCAA). Đạo luật này được ban hành năm 2020, trao cho Mỹ quyền hủy niêm yết các doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc và Hong Kong nếu các nhà quản lý không thể xem xét đầy đủ giấy tờ của họ trong hai năm liên tiếp. 

 

Rắc rối là Đạo luật HFCAA nhiều khả năng sẽ mất vài năm để có hiệu lực và đó chỉ là khi các nhà quản lý không thể tiếp cận giấy tờ họ cần.

Song, Nhà Trắng cũng có những biện pháp nhanh chóng và chắc chắn hơn. Ông Jaret Seiberg, Giám đốc điều hành của TD Cowen, chỉ ra “cách nhanh chóng và dễ dàng nhất” là ông Trump ban hành một loạt sắc lệnh hành pháp theo thẩm quyền về an ninh quốc gia để hủy niêm yết doanh nghiệp Trung Quốc khỏi các sàn chứng khoán Mỹ.

Đôi bên cùng chịu thiệt

Dù chính quyền ông Trump chọn phương án nào, rủi ro khi hủy niêm yết doanh nghiệp Trung Quốc cũng rất lớn. Trong thời gian gần đây, các thị trường vốn đã trải qua nhiều biến động, nếu ông Trump leo thang đáng kể xung đột với Bắc Kinh thì nhà đầu tư có thể sẽ phản ứng rất dữ dội.

Các chuyên gia Goldman Sachs ước tính trong “kịch bản cực đoan” là hai siêu cường kinh tế “tách rời” thị trường tài chính của nhau, nhà đầu tư Mỹ sẽ cần thanh lý khoảng 800 tỷ USD chứng chỉ ADR của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Một cuộc bán tháo chóng vánh sẽ khiến định giá cổ phiếu lao dốc và có thể gây ra rắc rối về thanh khoản cho doanh nghiệp Trung Quốc. Đối với những công ty như Alibaba, JD.com hay Baidu, khối lượng giao dịch chứng khoán trung bình hàng ngày tại Mỹ lớn hơn hẳn tại thị trường Hong Kong.

Tuy nhiên, đối tượng dễ bị tổn thương nhất là những doanh nghiệp chưa niêm yết thứ cấp tại thị trường khác như công ty thương mại điện tử Pinduoduo.

Nếu Trung Quốc quyết định trả đũa bằng cách hạn chế người dân rót vốn vào Mỹ, nhà đầu tư Trung Quốc có thể sẽ phải buông bỏ 1.700 tỷ USD tài sản tài chính của Mỹ, theo ước tính của Goldman Sachs. Khoảng 370 tỷ USD trong số đó là cổ phiếu và 1.300 tỷ USD là trái phiếu.

Đòn trả đũa trên rất có thể sẽ khiến giá cổ phiếu Mỹ giảm mạnh, nhưng điều đáng lo ngại hơn là ảnh hưởng tới thị trường trái phiếu. Giá trái phiếu giảm sẽ kéo theo lợi suất tăng vọt, khiến doanh nghiệp Mỹ đối mặt với chi phí đi vay đắt đỏ hơn, dẫn tới việc họ giảm đầu tư và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Trong số những biện pháp mà Mỹ có thể triển khai trong cuộc chiến thương mại, hủy niêm yết có lẽ là lựa chọn cần được cân nhắc kỹ càng nhất. Thuế quan có thể được chỉnh sửa, mở rộng hay gỡ bỏ khi các bên đàm phán, nhưng lệnh hủy niêm yết là vĩnh viễn.

Ông Zongyuan Zoe Liu, thành viên cấp cao về nghiên cứu Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, bình luận: “Đây là vũ khí mà Mỹ chỉ có thể sử dụng một lần”.

Ngoài đòn trả đũa của Trung Quốc, còn một lý do khác có thể ngăn cản Nhà Trắng thực hiện biện pháp này. Ông David Harden, Giám đốc đầu tư của công ty chứng khoán Summit Global Investments, nói với tờ Barron’s: “Cái khó của việc hủy niêm yết doanh nghiệp Trung Quốc là Nhà Trắng vẫn muốn doanh nghiệp ngoại xem Mỹ là vùng đất tự do”.

Điều này có thể khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mỹ lao dốc, các startup và công ty công nghệ có khả năng chuyển trụ sở sang nước khác, ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế trong lâu dài. 

Giang