Nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines tiếp tục tăng
Philippines là một trong những quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới do sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Philippines (DA), năm 2025, nước này sẽ tiêu thụ khoảng 17,8 triệu tấn gạo và cần dự trữ thêm từ 1 đến 1,2 triệu tấn nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Như vậy, tổng nhu cầu gạo hàng năm của Philippines có thể lên đến 18-19 triệu tấn.

Dân số Philippines được dự báo sẽ tăng từ 118,28 triệu người năm 2024 lên 121,94 triệu người vào năm 2026, kéo theo nhu cầu tiêu thụ gạo liên tục tăng.
Sản lượng sản xuất nội địa dù có cải thiện nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng. Năm 2023, sản lượng lúa lần đầu vượt mốc 20 triệu tấn, song sang năm 2024 lại giảm còn 19,3 triệu tấn. Mục tiêu năm 2025 là đạt 20,46 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 13 triệu tấn gạo – vẫn còn khoảng cách lớn so với tổng nhu cầu.

Việt Nam hiện là nhà cung cấp gạo lớn nhất của Philippines, chiếm 80–85% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này.
Từ năm 2022, xuất khẩu gạo hàng năm của Việt Nam sang Philippines luôn đạt 3-4 triệu tấn, đáng kể là năm 2024 đạt 4,15 triệu tấn.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines năm 2025 đạt khoảng 4,35 triệu tấn, tăng 5% so với năm ngoái.
Gạo Việt có lợi thế nhờ chất lượng ổn định, giá cả hợp lý, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp – nhóm chiếm đa số tại Philippines. Ngoài ra, khoảng cách địa lý gần và chi phí vận chuyển thấp cũng giúp Việt Nam duy trì năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với nhiều rủi ro do chính sách quản lý mới từ phía Philippines.
Người Lao Động dẫn nhận định của ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines, cho biết, việc kiểm tra kho bãi, điều tra doanh nghiệp nhập khẩu gạo cùng các biện pháp hành chính như áp giá bán lẻ tối đa (MSRP) và trợ giá từ kho dự trữ quốc gia khiến hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, tài chính, và khả năng duy trì hợp đồng ổn định.
Ông Thành cảnh báo việc tiến hành kiểm tra kho bãi, điều tra các doanh nghiệp nhập khẩu, cung ứng gạo nhập khẩu đã tác động ảnh hưởng tới các doanh nghiệp nhập khẩu gạo của Philippines, thậm chí làm cho các doanh nghiệp nhập khẩu gạo gặp khó khăn trong phân phối, khó khăn về tài chính.
Điều đó sẽ dẫn đến những nguy cơ như hoãn hợp đồng, phá vỡ hợp đồng, ép giá… đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Sức ép cạnh tranh gia tăng
Ngoài các rào cản từ thị trường Philippines, gạo Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo khác.
Sau khi áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng từ tháng 7/2023 để kiểm soát giá trong nước, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã từng bước gỡ bỏ lệnh cấm từ đầu năm 2025, áp dụng hạn ngạch và thuế xuất khẩu thay vì cấm hoàn toàn.
Theo Reuters, động thái trên của Ấn Độ sẽ đưa trở lại thị trường thế giới hàng triệu tấn gạo, tạo sức ép lên giá và thị phần của các nước khác như Việt Nam và Thái Lan.
Các doanh nghiệp gạo Ấn Độ có thế mạnh trong phân khúc gạo trung bình – đúng phân khúc mà người tiêu dùng Philippines ưu tiên do giá cả hợp lý.
Theo tờ Bangkok Post, Bộ Thương mại Thái Lan đã điều chỉnh chính sách xuất khẩu gạo, tập trung tăng thị phần tại các nước ASEAN, nhất là Philippines và Malaysia.
Campuchia đang tích cực mở rộng quan hệ thương mại gạo với Philippines. Theo Khmer Times, Campuchia đã ký biên bản ghi nhớ thương mại gạo với Philippines để mở đường cho các lô hàng gạo đầu tiên trong năm 2025.
Gạo Campuchia có lợi thế cạnh tranh nhờ giá phải chăng, năng lượng chế biến, kiểm soát chất lượng ngày càng được nâng cao.
Ngoài sức ép từ các nước xuất khẩu khác, gạo Việt cũng chịu cạnh tranh từ gạo nội địaPhilippines.
Chính phủ Philippines đã có nhiều động thái nhằm tự chủ nguồn cung trong nước. Đầu năm 2025, nước này thông qua Luật số 12078, gia hạn chương trình hỗ trợ tăng cường năng lực sản xuất lúa đến năm 2031 với ngân sách 30 tỷ peso mỗi năm, gấp 3 lần trước đây. Chương trình này bao gồm hỗ trợ giống lúa, cơ giới hóa, thủy lợi và đào tạo nông dân.
Trước bối cảnh này, Thương vụ Việt Namtại Philippines khuyến nghị các doanh nghiệp cần củng cố vị thế hiện có bằng việc đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ tập trung vào gạo chất lượng cao mà nên khai thác thêm các dòng gạo trung bình, giá rẻ để đáp ứng nhu cầu đa tầng của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp gạo Việt cần duy trì uy tín và mối quan hệ bền vững với các nhà nhập khẩu Philippines nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định.
HT