
Nhiều ngân hàng, tốt cho cạnh tranh nhưng cũng thách thức cho việc quản lý
Ông Thành cho hay hiện Việt Nam có 35 ngân hàng, trong đó có 5 ngân hàng 0 đồng, yếu kém và bị kiểm soát đặc biệt.
"Nhiều ngân hàng thì tốt cho cạnh tranh, tốt cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tốt cho người gửi tiền, tuy nhiên cũng rất thách thức cho việc quản lý.
Một số nguyên nhân làm ngân hàng thương mại cổ phần rơi vào tình trạng yếu kém: Ngân hàng bị một nhóm cổ đông nắm tỉ lệ sở hữu lớn thao túng để tạo sự kiểm soát chi phối thông qua sở hữu chéo. Cơ cấu sở hữu chéo giúp vô hiệu hóa các quy định về đảm bảo hoạt động an toàn.
Ngoài ra, còn do ngân hàng cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và dự án trong "hệ sinh thái" không có hiệu quả và khoản vay trở thành nợ xấu. Từ đó, các ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu", ông Thành phân tích.
Luật sư Trương Thanh Đức - giám đốc Công ty luật ANVI, trọng tài viên VIAC - cho hay "chuyển giao bắt buộc" để cơ cấu lại ngân hàng thương mại là một khái niệm đã có trong Luật Các tổ chức tín dụng từ năm 2017. Tuy nhiên, cuối năm 2024 mới được áp dụng lần đầu tiên trên thực tế.
Lý do dẫn đến ngân hàng bị "chuyển giao bắt buộc" là có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, tức thị giá cổ phiếu có thể là 0 đồng (cổ đông không bán được).
"Với quá trình chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng OceanBank, CB, GPBank, DongA Bank, các ngân hàng trên được tổ chức dưới mô hình công ty TNHH một thành viên và 100% vốn thuộc sở hữu của 4 ngân hàng thương mại cổ phần. Xét về bản chất, 4 ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc lần thứ hai", ông Đức nhận định.
Tái cấu trúc ngân hàng phải có tính bắt buộc
Luật sư Trương Thanh Đức - giám đốc Công ty luật ANVI, trọng tài viên VIAC - Ảnh: T.P
Nhìn vào lịch sử tái cơ cấu những ngân hàng thương mại yếu kém từ năm 2011 đến nay, có các hình thức tái cơ cấu như: sáp nhập, hợp nhất, tham gia của nhà đầu tư mới, chuyển giao bắt buộc.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, các bài học chính sách trong tái cơ cấu ngân hàng thương mại là Ngân hàng Trung ương phải đóng vai trò "người cho vay cuối cùng", để đảm bảo thanh khoản và ngăn chặn rủi ro đổ vỡ mang tính hệ thống. Tái cơ cấu phải dùng nguồn tiền thật, có thể từ nhà nước hoặc từ nhà đầu tư mới.
Tái cơ cấu phải đi cùng với thay đổi cấu trúc sở hữu theo hướng giảm sở hữu chéo. Đồng thời cần một hệ thống thanh tra, giám sát mang tính hợp nhất cao hơn để phát hiện và ngăn chặn các hành vi không tuân thủ trên cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
Thêm vào đó cần có sự minh bạch trong hệ thống ngân hàng. Hiện nay, tất cả ngân hàng thương mại cổ phần nếu không niêm yết thì phải công bố báo cáo tài chính định kỳ. Tuy nhiên, có nhiều ngân hàng yếu kém không công bố báo cáo tài chính.
Cũng theo ông Thành, vấn đề tái cấu trúc phải có tính chất bắt buộc.
"Trên thực tế thời gian qua, các ngân hàng sau khi được chuyển giao bắt buộc xong sẽ đổi tên, trở thành ngân hàng số. Đây là hình thức chuyển đổi mà không xóa sổ giấy phép ngân hàng. Động thái chuyển thành ngân hàng số cũng cho thấy giá trị thương hiệu của các ngân hàng không còn mà chỉ còn mỗi giá trị giấy phép", ông Thành nhận định.
Ánh Hồng
