Jayson Wu, chủ sở hữu người Trung Quốc của một nhà máy sản xuất đồ nội thất ở Hà Nội đã phải làm việc hết công suất kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tạm dừng chính sách thuế "có qua có lại" (thuế đối ứng) với hàng chục quốc gia hôm 9/4/2025.
Doanh nghiệp của ông Wu từng bị đình trệ hoàn toàn khi các mức thuế sắp có hiệu lực, khiến gần như tất cả khách hàng Mỹ hủy đơn đặt hàng. Giờ đây, họ đã quay lại và yêu cầu ông Wu giao càng nhiều tủ càng tốt trong khung thời gian 90 ngày khi chính quyền của Tổng thống Trump tạm dừng áp thuế đối ứng với nhiều nước.

Một dây chuyền sản xuất ở nhà máy của Trung Quốc tại Việt Nam - Ảnh: Mia Nulimaimaiti/SCMP
Ông Wu, người đã chuyển nhà máy sang Việt Nam năm 2019, cho biết: “Tôi đã mất rất nhiều đơn hàng khi thuế bắt đầu áp dụng, rồi chỉ sau một đêm, đơn đặt hàng lại đổ về ồ ạt. Các khách hàng Mỹ của tôi quay lại với rất nhiều yêu cầu giao hàng trước thời hạn. Họ rất lo ông Trump có thể làm điều gì đó trong 90 ngày tới”.
Nhiều nhà xuất khẩu khác ở Việt Nam cũng cảm thấy “quay cuồng” giống như ông Jason Wu, khi ngành xuất khẩu phải vất vả thích nghi với các chính sách thuế quan khó lường của Tổng thống Trump.
Mức thuế 46% mà ông Trump công bố đầu tháng 4 đe dọa giáng đòn mạnh vào các nhà xuất khẩu như Wu, nhưng quyết định tạm hoãn mức thuế cao trong 90 ngày và thay vào đó chỉ áp dụng mức thuế cơ bản toàn cầu là 10% đã giúp các nhà máy ở Việt Nam được “giải nguy” tạm thời. Tuy nhiên chuỗi cung ứng vẫn rơi vào trạng thái bất định.
Zou Haoxue, người điều hành một cơ sở sản xuất kệ tại Hà Nội, không lạ gì với những biến động trong thương mại, nhưng thậm chí doanh nghiệp Trung Quốc này cũng bị bất ngờ bởi làn sóng đơn hàng đổ về những ngày gần đây.
“Mấy ngày vừa rồi, đơn hàng tăng vọt”, ông Zhou nói. “Một trong những khách hàng xuất khẩu thân thiết nhất của tôi đã bay sang Mỹ hôm 9/4 để gặp khách hàng. Ngay hôm sau, điện thoại tôi không ngừng đổ chuông, ai cũng muốn hàng được giao trong vòng 90 ngày”.
Ông Zou, người kinh doanh từ năm 2012, đã chứng kiến đơn hàng tăng mạnh từ năm 2019 khi các nhà đầu tư chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Giờ đây, khi các mức thuế đe dọa đang treo lơ lửng trên đầu, vị doanh nhân này vẫn giữ được sự bình tĩnh.
“Hầu hết chúng tôi tin rằng mức thuế cuối cùng sẽ không quá cao – có thể chỉ 10 đến 20% thôi,” ông nói. “Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào hàng xuất khẩu của chúng tôi. Những mức thuế như vậy rất khó để thực thi và nếu là 20%, chúng tôi sẽ chia sẻ chi phí với khách hàng Mỹ. Sẽ đau một chút, nhưng điều đó không thể khiến chúng tôi sụp đổ”.
Việt Nam từng là bên hưởng lợi rõ rệt trong những giai đoạn đầu của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi đón nhận một phần lớn năng lực sản xuất, từ may mặc, giày dép đến đồ nội thất và điện tử chuyển từ Trung Quốc sang.
Tian, người từ chối nêu đầy đủ danh tính do ràng buộc hợp đồng, điều hành một nhà máy điện tử tại Việt Nam, chuyên cung cấp cho các tập đoàn lớn như hãng chip “khổng lồ” Nvidia và nhà lắp ráp iPhone Foxconn. Cô đã chuyển cơ sở này từ Trung Quốc sang Việt Nam vào năm 2019 theo yêu cầu của khách hàng.
Hiện tại, Tian cho biết doanh nghiệp của cô chưa bị ảnh hưởng bởi các đe dọa thuế quan từ Washington do được miễn tạm thời đối với hàng điện tử. Nhưng sự bất định vẫn đang đè nặng.
“Thuế bắt đầu từ Trung Quốc và giờ đã lan sang Đông Nam Á”, cô Tian nói. “Doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi có thể làm gì đây? Nếu các mức thuế được áp dụng thì chẳng khác gì chờ chết, chúng tôi bất lực trong cuộc chơi quyền lực này”.
Nhưng cô Tian đã chuẩn bị cho những gì có thể xảy đến. “Dù mọi thứ đều đầy rủi ro, nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng. Nếu một ngày nào đó, các nhà cung cấp yêu cầu chuyển địa điểm lần nữa, chúng tôi sẽ phải đi bất cứ nơi đâu họ cần”.
Đăng Đức - Theo SCMP