
Chật vật vì tỷ giá
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 tổ chức hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu về lĩnh vực ngân hàng” vào ngày 25/4/2025.
Một trong những vấn đề nổi cộm được nhiều doanh nghiệp phản ánh tại hội nghị là sự biến động của tỉ giá và những rủi ro thanh toán đi kèm khi thương chiến xảy ra.
Ông Bill Nguyễn, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Cainver chuyên về xuất khẩu gỗ, cho biết điều lo nhất là thuế đối ứng 46% áp với hàng hóa Việt xuất khẩu qua Mỹ, chắc chắn là thuế sẽ tăng. Hiện nhiều đối tác lớn của công ty đang có kế hoạch tìm kiếm nguồn hàng tương ứng ở các quốc gia có mức thuế thấp hơn. Nếu mất đơn hàng lần này có thể là mất vĩnh viễn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến động tỉ giá. Ngay lập tức, các đối tác lớn đã yêu cầu đàm phán lại giá bán, thay đổi phương thức thanh toán, yêu cầu mở thư tín dụng (L/C) trả chậm lên tới 90-120 ngày... trong khi trước đây thanh toán diễn ra ngay khi nhận hàng.
Một số ngân hàng quốc tế đã nhanh chóng giới thiệu các gói bảo hiểm rủi ro tỉ giá, thì các ngân hàng trong nước lại chưa chủ động đưa ra giải pháp tương tự.
“Với hàng loạt biến động địa chính trị và thương mại, chúng tôi không chắc có thể tiếp tục tồn tại hay không nếu không có sự đồng hành thực sự từ phía ngân hàng và chính quyền”, ông Bill Nguyễn băn khoăn.
Một thực tế khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc là sự khác biệt trong cách tiếp cận từ ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước.
Một doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác nêu rõ khó khăn trong việc tiếp cận giao dịch ngoại tệ kỳ hạn. Đây là công cụ giúp doanh nghiệp chốt tỉ giá ở thời điểm hiện tại cho các giao dịch trong tương lai, qua đó tránh được rủi ro biến động tỷ giá. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng yêu cầu ký quỹ 100% giá trị ngoại tệ ngay tại thời điểm ký hợp đồng, điều rất khó thực hiện đối với doanh nghiệp, nhất là khi quy mô giao dịch lớn.
“Chúng tôi rất mong có chính sách linh hoạt hơn từ phía nhà điều hành hoặc các ngân hàng thương mại, để doanh nghiệp có thể chủ động phòng ngừa rủi ro tỉ giá mà không bị đè nặng bởi yêu cầu ký quỹ quá cao”, đại diện doanh nghiệp nói.
Trước phản ánh từ doanh nghiệp, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng HDBank, đã làm rõ lý do vì sao nhiều ngân hàng vẫn yêu cầu ký quỹ đối với giao dịch ngoại tệ kỳ hạn.

Theo ông Phương, khi doanh nghiệp A ký hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn trong 6 tháng với ngân hàng, ngân hàng phải dành riêng một lượng ngoại tệ cho hợp đồng này. Nếu sau đó doanh nghiệp hủy giao dịch, ngân hàng buộc phải bán lại số ngoại tệ đó. Trong trường hợp tỉ giá giảm, ngân hàng sẽ bị lỗ. Vì vậy, việc yêu cầu ký quỹ chính là để bảo vệ ngân hàng trước những biến động không mong muốn.
Tuy nhiên, ông Phương cũng cho biết không phải ngân hàng nào cũng áp dụng một mức ký quỹ cứng nhắc.
“Nếu doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt, dòng tiền ổn định và uy tín cao, chúng tôi hoàn toàn có thể linh hoạt – thậm chí không yêu cầu ký quỹ,” ông khẳng định.
Rắc rối thanh toán quốc tế
Chia sẻ thông tin về bảo lãnh thanh toán quốc tế của ngân hàng nước ngoài đối với đối tác nhập hàng, ông Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ hóa nhựa Bông Sen (Lotus), cho biết muốn ngân hàng trong nước bảo lãnh thanh toán khi bán hàng cho nước ngoài.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khôi, Giám đốc Trung tâm Tài trợ thương mại và Thanh toán quốc tế, ngân hàng NamABank, cho rằng có 02 cách.
Thứ nhất, nếu đối tác mua hàng (nhà nhập khẩu) sử dụng bảo lãnh từ phía ngân hàng của họ, thì bảo lãnh này không có ý nghĩa đối với nhà xuất khẩu Việt Nam, vì họ tham chiếu theo luật pháp nước sở tại… nên rủi ro lớn.
Theo đó, nhà xuất khẩu Việt Nam nên yêu cầu ngân hàng nước ngoài phát hành bảo lãnh đối ứng. Dựa trên bảo lãnh đối ứng này, ngân hàng Việt Nam sẽ phát hành một bảo lãnh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt 01 thanh toán thông thường.
Tuy nhiên, chính sách của ngân hàng Việt và ngân hàng nước ngoài phải “chấp nhận nhau”.
Thứ hai, ngân hàng nước ngoài đó có nằm trong danh sách ngân hàng đại lý của ngân hàng Việt ở nước ngoài không? Nếu đúng, ngân hàng trong nước sẽ phát hành bảo lãnh thanh toán trong nước cho nhà xuất khẩu Việt Nam yên tâm xuất hàng.

Theo ông Khôi, doanh nghiệp nên dùng L/C (tín dụng thư) thay vì bảo lãnh thanh toán quốc tế, vì điều kiện của L/C đơn giản, dễ chấp nhận hơn, dù có thể trong thời gian này thời gian thanh toán sẽ kéo dài. Các ngân hàng cũng dễ chiết khấu hoặc tài trợ cho doanh nghiệp dựa trên L/C.
Một thông tin tích cực được đại diện Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 chia sẻ tại hội nghị, đó là doanh nghiệp xuất khẩu hiện nằm trong 05 nhóm ngành ưu tiên được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND không quá 4%/năm.
Đây là chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định vốn, duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn vay vốn bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ, tùy theo nhu cầu thực tế – giúp linh hoạt hơn trong điều hành tài chính.
Trong bối cảnh bất định toàn cầu, doanh nghiệp không thể “đơn thương độc mã” mà rất cần sự đồng hành chủ động, linh hoạt từ phía ngân hàng.
Theo đó, ông Đào Minh Chánh, Phó giám đốc ITPC, khẳng định sẽ tiếp tục làm cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền, ngân hàng, đồng thời kiến nghị những cơ chế mới, hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vững vàng “vượt sóng”.
Ái Linh